Trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm Chủ Nhật (26/9, giờ địa phương), gần 2/3 cử tri Thụy Sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ luật hóa công nhận hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi này vẫn chưa đến hồi kết. 

Theo hãng tin AP, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy 64,1% cử tri ủng hộ luật hóa công nhận hôn nhân đồng tính và tất cả 26 tiểu bang trên cả nước đều có đa số cử tri ủng hộ biện pháp này.

Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter đã viết trên Twitter nói rằng chính phủ liên bang sẽ nhanh chóng thực thi nguyện vọng của cử tri. Bà nói thêm rằng theo các kế hoạch hiện tại, những quy định mới về hôn nhân sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Quốc hội Thụy Sĩ và Hội đồng Liên bang điều hành (tương đương Chính phủ) đã ủng hộ biện pháp “Hôn nhân cho Tất cả”, công nhận quyền được trở thành vợ chồng của những người đồng tính nam và đồng tính nữ tại Thụy Sĩ. Từ năm 2007, Thụy Sĩ cũng đã cho phép các mối quan hệ dân sự đồng tính.

Bà Keller-Sutter viết: “Với kết quả cuộc trưng cầu dân ý này, tất cả các cặp đôi trong tương lai sẽ được đối xử công bằng trước pháp luật: tất cả có thể trở thành vợ chồng hợp pháp, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như nhau”.

Khi hôn nhân đồng tính được công nhận, các cặp đôi cùng giới tính tại Thụy Sĩ sẽ có các quyền tương tự như các cặp đôi khác giới trong hôn nhân, như việc được phép nhận con nuôi, tạo thuận lợi cho hôn thê nước ngoài của công dân Thụy Sĩ được nhập tịch nước này, cùng một số quyền các liên quan đến việc sinh con.

Chúng tôi rất hạnh phúc và nhẹ nhõm”, bà Antonia Hauswirth, thành viên Ủy ban Quốc gia của đề xướng “Hôn nhân cho Tất cả” nói với Reuters.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đã lên tiếng hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính tại Thụy Sĩ. Họ gọi đó là “cột mốc cho sự bình đẳng”.

Trong khi đó, những người phản đối hôn nhân đồng tính tin rằng việc chính thức công nhận các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ là vợ chồng hợp pháp sẽ làm xói mòn các gia đình với cặp vợ chồng truyền thống dựa trên sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.

Ông Benjamin Roduit của Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo (CDPP) đã tuyên bố mặc dù thất tại trong cuộc trưng cầu dân ý, nhưng ít nhất cũng đã thành công trong việc gia tăng nhận thức của người dân về lập trường của CDPP, đảng chống hôn nhân đồng tính.

Theo AP, tại một khu vực bỏ phiếu ở Geneva, cử tri Anna Leimgruber đã nói rằng bà bỏ phiếu “không” đồng ý hôn nhân đồng tính bởi vì bà tin rằng “trẻ em sẽ cần có một người bố và một người mẹ”.

Chính trị gia Monika Rüegge của Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo hôm 26/9 đã nói với Keystone-SDA rằng hôm nay là “ngày đen tối” cho trẻ em. Bà khẳng định bọn trẻ và những người cha là những người thua cuộc.

Đây không phải là về tình yêu và cảm xúc. Đây là về phúc lợi của trẻ em”, bà Monika Rüegge nói.

Thụy Sĩ với dân số khoảng 8,5 triệu người là quốc gia từ lâu luôn coi trọng các giá trị truyền thống, đạo đức, giáo lý lâu đời của Công giáo. Cho đến trước cuộc trưng cầu dân ý lần này, Thụy Sĩ là quốc gia Tây Âu duy nhất còn lại không công nhận hôn nhân đồng tính.

Tại châu Âu, dù hầu hết các quốc gia Tây Âu đã luật hóa công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng ngược lại, đại đa số các nước Trung và Đông Âu không cho phép tình trạng vợ chồng giữa hai người nam hoặc giữa hai người nữ.

Sau cuộc trưng cầu dân ý này, Thụy Sĩ sẽ tiến tới trở thành quốc gia thứ 30 trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính.

Đức Thiện (T/h)

Xem thêm: