Trung Quốc dừng nhập khẩu na Đài Loan, Đài Bắc dọa kiện lên WTO
- Xuân Lan
- •
Ngày 19/9, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột tuyên bố ngừng nhập khẩu 2 loại trái cây là na (mãng cầu) và mận của Đài Loan với lý do “côn trùng gây hại”. Phía Đài Loan đã lên án “ĐCSTQ vi phạm các chuẩn mực thương mại quốc tế”, “vũ khí hóa thương mại”. Đây là các loại trái cây đặc sản của Đài Loan, và động thái này được cho là sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng vào dịp Tết Trung thu năm nay.
Following a series of military threats, the #PRC is weaponizing trade by announcing an immediate ban on #Taiwan‘s custard & wax apples. This hostile move violates international trade norms! #China wants to join the high-standard #CPTPP? Is this a joke? JW
— 外交部 Ministry of Foreign Affairs, ROC (Taiwan) 🇹🇼 (@MOFA_Taiwan) September 19, 2021
Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết họ đã nhiều lần phát hiện sâu bệnh trong trái cây đến từ Đài Loan và đã yêu cầu cơ sở ở Quảng Đông và tất cả các văn phòng liên kết trực tiếp ngừng thông quan các sản phẩm bắt đầu từ hôm thứ Hai, Reuters đưa tin.
Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Nông nghiệp Đài Loan Chen Chi-chung cho biết Trung Quốc đã đưa ra thông báo này mà không cung cấp bằng chứng. Ông Chen cũng nói rằng Bắc Kinh chỉ thông báo cho họ về vụ việc vào lúc 9 giờ sáng ngày hôm đó.
“Chúng tôi không thể chấp nhận điều này”, ông Chen nói tại Đài Bắc hôm Chủ nhật, theo Reuters. Đài Loan sau đó đã nói với Trung Quốc rằng họ sẽ đưa vấn đề này lên WTO nếu Bắc Kinh không giải quyết việc chặn hàng hóa bằng khuôn khổ song phương vào cuối tháng.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu hôm Chủ nhật nói thêm rằng lệnh cấm “vi phạm các tiêu chuẩn thương mại quốc tế.”
“Sau một loạt lời đe dọa quân sự, #PRC (CHDCND Trung Hoa) đang vũ khí hóa thương mại bằng cách thông báo lệnh cấm ngay lập tức đối với na của Đài Loan. Động thái thù địch này vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế! #Trung Quốc muốn tham gia #CPTPP tiêu chuẩn cao? Đây là trò đùa sao?”, ông Wu viết trên Twitter.
Liên quan đến động thái của ĐCSTQ, hôm 19/9, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết trên Facebook, “Cách làm của Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Ngoài việc kịch liệt lên án, chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các biện pháp do Ủy ban Nông nghiệp của Viện Hành chính điều hành thực thi, nhất định phải bảo vệ nông nghiệp và hỗ trợ nông dân”.
Bà Thái Anh Văn cũng viết rằng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc (ĐCSTQ) đơn phương vi phạm các quy định thương mại quốc tế, “Tin rằng mọi người có thể nhớ vụ việc dứa xảy ra vào tháng Hai năm nay (ĐCSTQ bất ngờ thông báo vào ngày 26/2 rằng việc nhập khẩu dứa Đài Loan sẽ bị đình chỉ từ ngày 1/3)”.
Tuy nhiên, Tổng thống Đài Loan cho biết sự kiện về dứa “được mọi người đồng lòng nỗ lực giúp sản lượng và bán dứa năm nay không những ổn định mà doanh số xuất khẩu từ tháng 1 – 8 khi không có tham gia từ Trung Quốc cũng tăng 566% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Bà Thái cũng đề cập rằng ĐCSTQ không chỉ tác động đến các sản phẩm nông nghiệp của Đài Loan, “Nhiều thủ đoạn của ĐCSTQ những năm gần đây, như vấn đề rượu vang và tôm hùm của Úc và thậm chí ngừng phê duyệt giấy phép nhập khẩu nông sản của Litva… đã khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ rằng không biết Trung Quốc có thực sự muốn tuân thủ quy chuẩn thương mại quốc tế không?”
Cuối cùng, bà Thái Anh Văn đã cho biết: “Vào thời khắc này, tôi kêu gọi mọi người Đài Loan đoàn kết để giảm thiểu tác động thị trường do sự can thiệp chính trị có chủ ý của Trung Quốc, chúng ta sẽ theo nhiều kênh khác nhau để giúp người nông dân có được công bằng”.
Ngày 19/9, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức cũng đã đăng trên Facebook về vấn đề này. Ông nói: “Thật đáng tiếc khi nghe những tin tức như vậy trong dịp Tết Trung thu, Chính phủ Trung Quốc một lần nữa sử dụng các yếu tố phi kinh tế để đột ngột cấm xuất khẩu mãng cầu và mận của Đài Loan”; “Không có cáo buộc về chứng cứ khoa học, lệnh cấm vận không tuân thủ các quy định thương mại. Kể từ tháng Sáu các sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi đã không được thông báo về việc kiểm tra không đủ tiêu chuẩn, phía Trung Quốc đã chọn gửi thông báo trong dịp Tết Trung thu cho biết tạm ngừng nhập khẩu vào ngay ngày hôm sau, không thể nghi ngờ động cơ thực sự đằng sau hành vi vu khống sản phẩm nông nghiệp của Đài Loan với mục đích gây thiệt hại về kinh tế và thương mại.”
“Loại lệnh cấm bất thường này đã khiến chúng tôi một lần nữa thấy sự phi lý của chế độ độc tài”, ông Lại Thanh Đức lên án. “Thương mại quốc tế và xuất khẩu sản phẩm nên là các hoạt động thương mại dựa trên các giao dịch bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi; tháng Hai năm nay xảy ra vấn đề trái dứa, hiện nay là mãng cầu và mận (roi), kiểu tấn công gây thiệt hại như vậy đối với nông nghiệp của Đài Loan sẽ không đánh bại được Đài Loan, ngược lại sẽ khiến cộng đồng quốc tế càng thêm nghi ngờ và cảnh giác hơn về sự ổn định và chữ tín của thị trường Trung Quốc.”
Cùng ngày, nhà lập pháp Đài Loan Lâm Tuấn Hiến (Lin Chun-hsien) cho biết: “Trung Quốc đột ngột và không báo trước tuyên bố cấm nhập khẩu mãng cầu và mận (roi) của Đài Loan viện lý do sâu bệnh, điều kỳ lạ là trái cây của Đài Loan xuất khẩu ra khắp thế giới mà chỉ có Trung Quốc là ‘tổn hại’ nhất, lúc nào họ cũng có thể tìm ra mọi vấn đề, rốt cuộc đó là vấn đề nông sản hay chính trị? Tôi nghĩ câu trả lời cho mọi người đã rõ ràng”.
Theo phân tích của nhà lập pháp Vương Định Vũ (Wang Ting-yu) được “Thời báo Tự do” (Liberty Times) Đài Loan dẫn lời vào ngày 19 cho hay, hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm gia tăng sự nghi ngờ của thế giới về đầu tư vào họ. Theo thời gian, nạn nhân cuối cùng là chính Trung Quốc. Ông cho rằng một mặt Đài Loan cần khiếu nại lên WTO để bảo vệ chuẩn mực quốc tế và quyền lợi của nông dân, mặt khác phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản và không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc để tránh bị họ dùng thương mại gây áp lực chính trị, để đe dọa Đài Loan bằng cách làm hại nông dân, củng cố hợp tác với các nước tự do và dân chủ mới là con đường cho sự phát triển của Đài Loan.
Lệnh cấm hôm Chủ nhật là lần thứ hai trong năm nay Trung Quốc ngừng nhập khẩu sản phẩm trái cây từ Đài Loan.
Vào tháng 2, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu dứa, với lý do lo ngại về “sinh vật có hại” trên loại quả này. Đáp lại, Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh chơi trò chính trị và nói rằng các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Tuy vậy, theo các dữ liệu thương mại, động thái này đã không mang đến hiệu quả mong muốn cho Bắc Kinh.
Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, trong nửa đầu năm nay, thu thập của người trồng dứa trên đảo quốc thậm chí còn tốt hơn kể từ khi Trung Quốc chặn nhập khẩu. Khi vắng bóng khách hàng Trung Quốc, những người mua đến từ Nhật Bản đã tham gia hỗ trợ Đài Loan.
Các lô hàng dứa xuất sang Nhật đã tăng hơn 8 lần lên 16.556 tấn trong bốn tháng tính tới tháng Sáu, so với cùng kỳ năm trước. Ngoài sự hỗ trợ từ Nhật, chiến dịch trong nước nhằm kích cầu các sản phẩm từ dứa cũng đã được người dân nhiệt liệt ủng hộ.
Động thái mới nhất xảy ra khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc tiếp tục xấu đi. Trung Quốc coi Đài Loan tự trị là một phần lãnh thổ có chủ quyền của mình và đã tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự gần hòn đảo này.
Tuần trước, các phương tiện truyền thông nhà nước tại Trung Quốc đã cảnh báo về những hậu quả kinh tế và quân sự “nghiêm trọng” đối với Đài Loan nếu hòn đảo này đổi tên văn phòng đại diện của mình tại Hoa Kỳ. Hiện tại tên là “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc“. Bắc Kinh phản đối việc thay đổi tên đó thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan.”
Trước đó, Úc cũng từng bị cấm nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp vào Trung Quốc vì nước này tuyên bố thúc đẩy điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khiến ĐCSTQ tức giận. Dù vậy, số liệu trong quý I năm nay cho thấy xuất khẩu của Úc đã tăng trưởng trên diện rộng, giúp kinh tế Úc phục hồi mạnh mẽ và đã trở lại mức trước khi có dịch bệnh. Còn Litva hồi tháng Bảy năm nay đã thành nước châu Âu đầu tiên thành lập văn phòng đại diện với tên gọi “Đài Loan”. Sau đó, ĐCSTQ đột ngột đình chỉ các thủ tục phê duyệt nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, cũng đột ngột đình chỉ đàm phán song phương về vấn đề này với Litva. Đầu tháng Chín, Ngoại trưởng Litva tuyên bố rằng Litva sẽ không lùi bước trong vấn đề Đài Loan; động thái của Litva đã được ủng hộ của Chính phủ Mỹ và Nghị viện nhiều nước như Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật Bản, Úc, New Zealand.
Ngoài ra, gần đây nông sản Việt Nam cũng bị làm khó dễ khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Hôm 17/9 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết vừa nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo “tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh)”. Thời gian tạm ngưng nhập khẩu trong vòng 7 ngày, từ ngày 15 – 21/9/2021. Lý do, phía Trung Quốc phát hiện virus Vũ Hán trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Tình huống tương tự đã từng xảy ra với thanh long Long An xuất sang Trung Quốc hồi tháng 7, đầu tháng 8.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Thị trường xuất khẩu thanh long của Việt Nam chủ lực là Trung Quốc, nhưng họ thường xuyên siết chặt kiểm dịch, đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định, cộng với các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến như chồng thêm những bất cập cho việc xuất cảng thanh long.”
Xuân Lan
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan Trung Quốc dừng nhập khẩu na Đài Loan