Trung Quốc lập 2 quận quản lý HS-TS, Việt Nam phản đối
- Đức Trí
- •
Hôm 19/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ một ngày sau khi Trung Quốc thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đang bị chỉ trích là lợi dụng sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 để thúc đẩy các mục tiêu phi pháp ở vùng biển giàu tài nguyên này cũng như chuyển dịch sự phẫn nộ của người dân trong nước ra bên ngoài.
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói trong một tuyên bố chính thức.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Hôm 18/4, Trung Quốc loan báo thành lập quận Tây Sa, trụ sở tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; quận Nam Sa đặt trụ sở tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Hai quận này đều thuộc phạm vi hành chính của thành phố Tam Sa ở tỉnh Hải Nam.
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng quận Tây Sa sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển kế cận.
Trước đó, Việt Nam cũng cứng rắn phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng Hai, sự kiện mà Trung Quốc lý giải là do tàu cá Việt Nam “tự đâm vào tàu Trung Quốc rồi chìm”. Sau đó vào ngày 30/3, Việt Nam đã gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, phản đối yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm này mới được công bố ngày 7/4.
Trong công hàm, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc khẳng định các yêu sách của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”; “Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.
Trung Quốc đang bị chỉ trích lợi dụng tình hình cả thế giới đối phó dịch COVID-19 để tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Ngày 6/4, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt lợi dụng thế yếu của các nước Đông Nam Á để gia tăng những đòi hỏi phi pháp tại Biển Đông.
Phát ngôn viên Morgan Ortagus nói: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngưng lợi dụng sự xao nhãng của các nước khác để xác lập các yêu sách biển bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”.
Đáp lại, trong buổi họp báo 7/4, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Mỹ tiếp tục vi phạm chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đồng thời khuyến cáo Washington nên tập trung chống dịch COVID-19 ở trong nước.
Có nhiều dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc tận dụng thời gian hỗn loạn của đại dịch viêm phổi toàn cầu để cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Hoàn Cầu Thời Báo hôm 8/4, cho biết thủy phi cơ AG600 do Trung Quốc chế tạo sắp được thử nghiệm trên biển trong năm 2020. Đây là loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Nhờ khả năng hoạt động độc lập trong 12 giờ, một khi được triển khai tại quần đảo Hoàng Sa, thủy phi cơ này có thể đến bất cứ vị trí nào tại Biển Đông. Hôm 14/4, Trung Quốc lại đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 trở lại vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Lý giải về sự “hung hăng” vội vàng của Trung Quốc trong khi dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm trên quy mô toàn cầu, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tìm cách chuyển áp lực từ người dân ra bên ngoài. COVID-19 đã gây ra tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, xuất khẩu đi xuống, việc các tập đoàn nước ngoài một đi không trở lại cộng với các tranh cãi gần đây về nguồn gốc của virus corona mới có thể khiến phẫn nộ bùng lên trong người dân Trung Quốc.
Để khỏa lấp sự bất an đó, Trung Quốc không chỉ tranh thủ thể hiện sự mạnh mẽ trong đối ngoại, mà cùng lúc cũng muốn “dằn mặt”, đảm bảo các thế lực bên ngoài không lợi dụng thời cơ để phá hoại lợi ích quốc gia của Trung Quốc, Tiến Sĩ Collin Koh Swee Lean – nhà nghiên cứu thuộc Chương trình an ninh hàng hải (Mỹ), nói trong khi trao đổi với tờ Tuổi Trẻ (Việt Nam).
Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ, cũng cho rằng Bắc Kinh đang cần thể hiện sự cứng rắn trong đối ngoại trong bối cảnh xuất hiện những chỉ trích về khả năng chống dịch cũng như minh bạch thông tin về dịch bệnh. “Vì vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải thể hiện quyết tâm và sức mạnh” – TS Abuza nói.
“Trung Quốc đang sử dụng sự xao nhãng do virus corona gây ra để tăng cường các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, trong khi Mỹ và Châu Âu đang phải vật lộn đối phó với dịch bệnh”, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, nói.
Đức Trí (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Hoàng Sa và Trường Sa đường lưỡi bò Dòng sự kiện Trung Quốc biển Đông