Trung Quốc, Myanmar bị chỉ trích gia tăng đàn áp tôn giáo
- Lê Xuân
- •
Theo báo cáo của một tổ chức từ thiện do Vatican hậu thuẫn, những vụ đàn áp tôn giáo đang có xu hướng gia tăng ở hơn 25 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar là những quốc gia có hồ sơ tồi tệ nhất, Reuters đưa tin.
Báo cáo Tự do Tôn giáo trên Thế giới trong giai đoạn 2019 – 2020 đã được tổ chức Aid to the Church in Need International (ACN) [tạm dịch: Viện trợ cho Giáo hội cần hỗ trợ Quốc tế] phát hành hôm thứ Ba (20/4). Đây là tổ chức từ thiện Công giáo nghiên cứu về các vi phạm quyền tự do của tất cả các tôn giáo trên toàn cầu.
Bản báo cáo dài 800 trang của ACN cho biết ở một số quốc gia, chẳng hạn như Niger, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, định kiến đối với các nhóm thiểu số tôn giáo khiến người dân địa phương đổ lỗi cho họ về đại dịch COVID-19 và nhóm này cũng bị từ chối tiếp cận viện trợ y tế.
Báo cáo mới nhất đã đưa 26 quốc gia vào danh mục “màu đỏ” biểu thị mức độ nghiêm trọng của việc bức hại tôn giáo, tăng thêm 5 quốc gia so với thời điểm báo cáo cuối cùng cách đây hai năm.
36 quốc gia khác bị đưa vào danh mục “màu da cam” biểu thị tồn tại sự phân biệt đối xử, tăng thêm 9 quốc gia so với 17 quốc gia vào hai năm trước. Việt Nam là quốc gia nằm trong danh sách này.
Báo cáo mô tả “phân biệt đối xử” có nghĩa là khi luật pháp hoặc quy định được áp dụng cho một nhóm cụ thể chứ không phải cho tất cả; còn “bức hại” nghĩa là khi có một chiến dịch hành động nhằm đàn áp những người khác dựa trên tôn giáo mà họ tin theo.
“Đã có sự gia tăng đáng kể về mức độ nghiêm trọng của các cuộc đàn áp và bức hại có động cơ tôn giáo”, báo cáo cho biết.
Báo cáo đặc biệt chỉ trích gay gắt Trung Quốc và Myanmar.
“Bộ máy đàn áp do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng trong những năm gần đây … được tinh chỉnh, lan tỏa [với sự hỗ trợ của] công nghệ tinh vi”, báo cáo cho biết.
Vi phạm nghiêm trọng nhất là cuộc đàn áp chống lại người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, “nơi mà các hành động tàn bạo đã đạt đến quy mô giống như tội diệt chủng”, báo cáo cho hay.
Vào tháng 2, chính quyền Biden đã xác nhận rằng Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng ở Tân Cương và nói rằng Hoa Kỳ phải chuẩn bị để áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc.
Trung Quốc cho biết các trại mà họ thiết lập ở Tân Cương cung cấp đào tạo nghề để giúp tiêu diệt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi các cáo buộc lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền là “tin đồn và vu khống vô căn cứ”.
Báo cáo của ACN cho biết những người theo Công giáo ở Trung Quốc “tiếp tục bị sách nhiễu và bắt giữ” bất chấp một thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký kết vào năm 2018 giữa Bắc Kinh và Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục ở Đại lục.
Trung Quốc đang tăng cường sử dụng nhận dạng khuôn mặt đối với những người thờ phượng của các tôn giáo khác nhau nhằm kiểm soát họ, báo cáo nói.
Tại Myanmar, báo cáo cho biết người Hồi giáo Rohingya “là nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây”.
Năm ngoái, Tòa án Công lý Quốc tế đã ra lệnh cho Myanmar thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người Rohingya khỏi nạn diệt chủng. Chính phủ Myanmar khi đó dưới thời bà Suu Kyi đã bác bỏ cáo buộc diệt chủng.
Báo cáo của ACN cho biết cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 “có khả năng làm mọi thứ tồi tệ hơn đối với tất cả các nhóm thiểu số tôn giáo” ở Myanmar, nơi có khoảng 8% dân số theo đạo Thiên chúa.
Báo cáo cũng cho biết châu Phi sẽ là “chiến trường tiếp theo chống lại các tay súng Hồi giáo”.
Lê Xuân (theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc đàn áp tôn giáo Dòng sự kiện diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ Myanmar đàn áp tôn giáo