Human Rights Watch: ĐCSTQ phạm “tội ác chống lại loài người” đối với người Duy Ngô Nhĩ
- Lê Vy
- •
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) hôm 19/4 đã công bố báo cáo chi tiết, trong đó cho biết Trung Quốc đang phạm phải “tội ác chống lại loài người” trong việc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, AFP đưa tin.
Báo cáo của HRW và Trung tâm Giải quyết Xung đột & Nhân quyền của Trường Luật Stanford cho biết Bắc Kinh đã bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và giam giữ hàng triệu người khác dưới một hệ thống giám sát và kiểm soát chặt chẽ.
“Chính phủ Trung Quốc đã và đang tiếp tục phạm phải tội ác chống lại loài người chống lại cộng đồng người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ,” báo cáo cho biết, đồng thời nói rằng đây là “một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế.”
“Mục tiêu rõ ràng của chính phủ Trung Quốc trong việc tạo ra các trại này là xóa sổ văn hóa và tôn giáo của người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ,” báo cáo đề cập đến người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Kyrgyz và các nhóm khác ở Tân Cương.
Báo cáo dài 53 trang cho biết các chính sách mà ĐCSTQ đang thực hiện vi phạm Quy chế Rome năm 1998 của Tòa án Hình sự Quốc tế, trong đó nói rằng các cuộc đàn áp trên diện rộng hoặc có hệ thống vào dân thường là một tội ác.
Báo cáo cáo buộc một loạt các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương dựa trên hai thập kỷ nghiên cứu về khu vực này và dựa trên các nguồn mới có sẵn, bao gồm cả tài liệu từ chính phủ Trung Quốc. Những hành vi lạm dụng bao gồm giam giữ tùy tiện hàng loạt, tra tấn, mất tích, giám sát hàng loạt, xóa sổ văn hóa và tôn giáo, ly tán gia đình, cưỡng chế trở về Trung Quốc, cưỡng bức lao động, tấn công tình dục phụ nữ và vi phạm quyền sinh sản.
HRW cho biết việc Bắc Kinh ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ đã có từ hơn hai thập kỷ trước, nhưng nói rằng ĐCSTQ đã gia tăng bức hại kể từ năm 2013 dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, Mỹ, Bỉ, Canada và Hà Lan đã xác định rằng hành vi của Trung Quốc ở Tân Cương cấu thành tội ác diệt chủng theo luật pháp quốc tế. Báo cáo nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước đã lần đầu tiên xếp các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người”. Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu về vấn đề này vào thứ Năm.
HRW kêu gọi các chính phủ làm việc cùng nhau để gây áp lực buộc chính quyền Trung Quốc thay đổi chính sách. Tổ chức này cũng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết thành lập một ủy ban được chỉ định để điều tra các cáo buộc và xác định các quan chức mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho rằng phải chịu trách nhiệm về các hành vi lạm dụng.
Ngoài các biện pháp này, báo cáo yêu cầu các chính phủ nước ngoài xem xét tất cả các khoản đầu tư vào Tân Cương và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, “bao gồm cả thoái vốn, nếu cần thiết, đối với các cáo buộc đáng tin cậy về lạm dụng nghiêm trọng như lao động cưỡng bức”.
Trước những cáo buộc, Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định rằng các cơ sở nơi người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị giam giữ là các “trung tâm giáo dục,” “trung tâm dạy nghề”.
Trong những ngày gần đây, chính quyền Trung Quốc đã chỉ trích các cáo buộc về nhân quyền ở Tân Cương.
Sau cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa ông Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Washington vào cuối tuần qua, nơi hai nhà lãnh đạo bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền” ở Tân Cương và Hồng Kông,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác lại, nói rằng các vấn đề này “hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc.”
Lê Vy
Xem thêm:
Từ khóa diệt chủng ở Tân Cương ĐCSTQ phạm tội ác chống lại loài người Tội ác chống lại loài người Human Rights Watch Tổ chức theo dõi nhân quyền Dòng sự kiện diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ