Trung Quốc, Nga bị chặn tham gia Hội nghị Hải quân lớn ở Sydney
- Nhật Minh
- •
Các quan chức quân sự Trung Quốc và Nga đã bị cấm tham dự một hội nghị hải quân quốc tế lớn ở Sydney, Úc, vốn có sự tham gia của các quan chức hải quân từ 40 quốc gia.
Tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Úc HMAS Rankin tại AUSINDEX 21, cuộc tập trận hàng hải hai năm một lần giữa Hải quân Hoàng gia Úc và Hải quân Ấn Độ ngày 5/9/2021 tại Darwin, Úc (Ảnh minh họa: Getty Images)
Trong những năm trước, các sĩ quan từ Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã được mời tham dự Triển lãm Hàng hải Quốc tế Ấn Độ – Thái Bình Dương 2022 diễn ra hai năm một lần. Đây là lần đầu tiên triển lãm được tổ chức kể từ khi đại dịch kết thúc.
Tuy nhiên, Phó Đô đốc Mike Noonan của Hải quân Hoàng gia Úc đã từ chối mời các nhà lãnh đạo Trung Quốc do “quan hệ đang xấu đi”, cùng với cuộc chiến thương mại do Bắc Kinh tiến hành nhằm vào các nhà xuất khẩu Úc, theo Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Úc.
Lời mời quan chức quân sự Nga cũng bị hủy bỏ nhằm đáp lại cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Sự kiện tại Cảng Darling của Sydney — từ ngày 10 đến ngày 12/5 — sẽ giới thiệu công nghệ và sản phẩm mới nhất từ 700 nhà triển lãm. Sự kiện năm nay tập trung vào chiến tranh dưới biển và máy bay không người lái.
Đây là một khu vực nhạy cảm mà Úc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đang đầu tư mạnh vào theo thỏa thuận AUKUS. Khu vực này cũng khá quan trọng do căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và nay là Quần đảo Solomon.
Hội nghị kéo dài ba ngày sẽ đề cập đến việc hiệp ước an ninh Bắc Kinh – Quần đảo Solomon được ký kết gần đây có thể mở ra cánh cửa cho quân đội và tàu hải quân Trung Quốc đóng quân ở khu vực Nam Thái Bình Dương, chỉ cách thành phố Cairns phía Bắc nước Úc khoảng 1.700 km.
Ông Nevol Soko, một vị thanh tra thuộc Cảnh sát Quần đảo Hoàng gia Solomon, dự kiến sẽ tham gia hội nghị.
Bất chấp những phủ nhận liên tục từ Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon rằng thỏa thuận an ninh có thể dẫn đến một căn cứ quân sự ở nước này, bằng chứng liên tục xuất hiện đã phản ánh điều ngược lại.
Ngày 9/5, một nguồn tin rò rỉ gần đây cho thấy, Bộ Thương mại Bắc Kinh đang hứa hẹn khuyến khích việc xây dựng các cảng, cơ sở đóng tàu, kho cá và phát triển năng lượng sạch trong nước.
Đầu tháng 4, một lá thư bị rò rỉ từ Công ty Kỹ thuật Dự án Quốc tế Avic thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc tiết lộ, công ty hàng không có trụ sở tại Bắc Kinh đang tích cực tìm kiếm các địa điểm để phát triển cơ sở hạ tầng cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân.
Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra chính sách hợp nhất quân sự-dân sự cũng có nghĩa là các cơ hội đầu tư lành mạnh — bao gồm cả các cảng — có thể được sử dụng lại cho mục đích quân sự.
Vấn đề đáng quan ngại hơn nữa là khi hàng nghìn giáo sư Trung Quốc làm việc tại các trường đại học ở các nước phương Tây thực sự có liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân. Họ thậm chí còn sử dụng bí quyết và nghiên cứu mà họ có được để thúc đẩy sự phát triển của quân đội ĐCSTQ.
Từ khóa Hội nghị hải quân quốc tế Hải quân Hoàng gia Úc Dòng sự kiện Hải quân ĐCSTQ