Tư lệnh Mỹ: Trung Quốc đe dọa ổn định tại Thái Bình Dương
Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền của các hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và phá hoại sự ổn định của khu vực này, một tư lệnh chỉ huy quân đội Mỹ cho hay hôm 13/2, một bình luận được cho là sẽ sớm khiến Trung Quốc tức giận.
Quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện hồi tháng Một sau khi hai bên ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhằm xuống thang căng thẳng cuộc chiến thương mại đã kéo dài tới 18 tháng.
Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh quân đoàn Ấn Độ – Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói rằng Mỹ đang “dốc hết sức” để chống lại những hành động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, bao gồm “yêu sách chủ quyền thái quá, ngoại giao bẫy nợ, vi phạm các hiệp ước quốc tế, ăn cắp tài sản quốc tế, khiêu khích quân sự và tham nhũng trắng trợn”.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát dòng chảy thương mại, tài chính, viễn thông, chính trị và lối sống của người dân tại Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Tư lệnh Davidson nói trong một bài phát biểu ở Sydney.
Ông nói rằng các nước ở khu vực này đã bắt đầu hiểu ra và đứng lên chống lại việc Bắc Kinh dùng ngoại giao bẫy nợ, cưỡng ép và bắt nạt để thao túng họ.
“Tất cả cả các quốc gia tại đây đều liên quan trong cuộc đối đầu giữa một trật tự tập trung quanh Bắc Kinh và một khu vực Ấn Độ – Thài Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Davidson nói.
“Những nước mà thiết lập quan hệ gần gũi với Trung Quốc với kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng và cơ sở hạ tầng sẽ phát triển nhanh hơn, thường thấy bản thân mình cuối cùng lại tồi tệ hơn”, ông nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc chưa có phản ứng gì với bình luận của ông Davidson. Trước kia, Trung Quốc nhiều lần chối bỏ khi Mỹ và đồng minh lên án chính sách ngoại giao bẫy nợ và bành trướng quân sự.
Những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt hoạt động mạnh ở vùng Thái Bình Dương giàu tài nguyên, nhất là ở Biển Đông và tìm cách gây ảnh hưởng tới các nước nhỏ và nghèo hơn bằng các khoản vay và hỗ trợ tài chính dễ dàng, thúc giục hoặc mua chuộc các chính phủ quốc gia cắt quan hệ với Đài Loan.
Hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và liên quan đến Đài Loan đã khiến Mỹ đặc biệt quan ngại.
Trung Quốc đưa ra yêu sách đòi chủ quyền gần hết diện tích Biển Đông, nơi mà khoảng 3,4 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. Đòi hỏi của Trung Quốc chồng lấn lên các khu vực đặc quyền kinh tế của cả Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.
Phát biểu của Tướng Davidson được đưa ra khi ông sắp kết thúc chuyến thăm chính thức Úc và gặp Thủ tướng Scott Morrison. Quan hệ Úc-Trung gần đây cũng leo thang căng thẳng sau khi chính phủ Úc phát hiện Bắc Kinh đã thâm nhập sâu rộng vào đời sống và nền tảng chính trị của nước này. Năm 2019, Úc kết luận Trung Quốc đứng sau vụ tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quốc hội và ba đảng chính trị lớn nhất tại đây. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc này. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, là thị trường tiêu thụ hơn 1/3 giá trị sản phẩm xuất khẩu và hằng năm có tới hơn 1 triệu lượt du khách và sinh viên từ Trung Quốc tới Úc thăm quan, học tập.
Nhưng Úc cũng ngày càng tỏ ra quan tâm đến việc duy trì ổn định trong khu vực. Năm 2018, Úc khởi động một quỹ trị giá 3 tỷ USD để giúp các nước nhỏ ở Thái Bình Dương có thể vay tiền với lãi suất thấp để xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Bắc Kinh đã cho thấy họ sẵn sàng can thiệp vào các thị trường tự do và làm hại các công ty của Úc đơn giản là vì chính phủ Úc đã thực thi quyền chủ quyền để bảo vệ an ninh quốc gia của mình”, Tướng Davidson kết luận.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Hoa Kỳ Ấn Độ - Thái Bình Dương Trung Quốc biển Đông