Trung Quốc bùng phát dịch cúm gia cầm H5N6 có khả năng lây sang người
- Tuyết Mai
- •
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do corona virus chủng mới còn đang hoành hành, hôm 9/2 vừa qua tại Tứ Xuyên Trung Quốc lại phát hiện bùng phát dịch cúm gia cầm H5N6. Tình trạng dịch bệnh bùng phát liên tiếp ở Trung Quốc đã gây nhiều lo ngại.
Hôm 9/2 Văn phòng Thông tin của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã có thông báo về dịch cúm gia cầm H5N6 tại một trang trại ở huyện Tây Sung thành phố Nam Sung tỉnh Tứ Xuyên. Trang trại này nuôi tổng số 2.497 con gia cầm thì đã bị chết 1.840 con, tỷ lệ tử vong là hơn 70%. Nhà chức trách cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát họ đã cho tiêu hủy 2.261 con gia cầm.
Mặc dù dịch cúm gia cầm H5N6 bùng phát ở Tứ Xuyên này là bệnh đối với gia cầm, nhưng hồi năm 2018 ở tỉnh Quảng Đông Trung Quốc từng có người đàn ông đã thiệt mạng bị nhiễm cúm H5N6, trước khi bị nhiễm bệnh người này đã giết mổ gia cầm.
Thời điểm đó, Cục Quản lý Bệnh Đài Loan đã chỉ ra, mặc dù việc truyền virus cúm gia cầm H5N6 ở người rất hiếm, nhưng chính vì con người hiếm bị nhiễm virus cúm gia cầm nên khả năng miễn dịch của cơ thể người đối với H5N6 là rất thấp, thậm chí còn không có khả năng miễn dịch. Một khi virus cúm gia cầm có khả năng thích nghi hoặc có được một số gen nhất định từ virus đối với người thì có thể dễ dàng truyền từ người sang người, khi đó một đại dịch cúm sẽ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở người sẽ rất cao.
Qua dữ liệu cho thấy, năm nay Trung Quốc Đại lục đã xảy ra ít nhất bốn lần dịch cúm gia cầm, trong đó ba lần là tại Tân Cương đều liên quan đến thiên nga. Đáng chú ý là dịch cúm gia cầm H5N6 xảy ra vào ngày 20/1 tại vùng đất ẩm ướt ở trấn Lan Châu Bay huyện Manas thành phố Xương Cát thuộc khu tự trị Tân Cương, đã khiến cả 13 con thiên nga nhiễm bệnh đều bị chết.
Vào ngày 16/1, một loại cúm gia cầm tương tự đã bùng phát tại khu thắng cảnh vịnh Swan thuộc Trung đoàn 21 Sư đoàn 2 Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương, trong số khoảng 150 con thiên nga thì một con bị bệnh đã chết. Dịch cúm gia cầm cũng xảy ra ở huyện Y Ninh (Yining) và đô thị Bác Lạc (Bole), tại hai vùng nước có khoảng 150 con thiên nga thì 15 con bị bệnh đều chết.
Vào ngày 1/2 tại quận Song Thanh đô thị Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam cũng xảy ra đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1. Khi đó, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã thông báo xảy ra dịch cúm H5N1 tại một hộ chăn nuôi ở quận Song Khánh thành phố Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam, khiến gần 4.500 con gà của hộ chăn nuôi này bị chết.
Được biết, virus cúm gia cầm H5N1 có nguồn gốc từ gia cầm và chim hoang dã, loại virus này có thể truyền sang người, nhưng không dễ để có thể truyền bệnh từ người sang người.
Tuyết Mai
Từ khóa dịch cúm giá cầm H5N6 Dòng sự kiện