Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Seoul – Hàn Quốc hôm thứ Hai (27/5) đã đưa ra tuyên bố chung. Tuyên bố cho thấy nỗ lực của các bên về cải thiện quan hệ kinh tế, thương mại, nhân văn, nhưng còn đó những chia rẽ trong các vấn đề an ninh quan trọng, đặc biệt vấn đề hòa bình trên eo biển Đài Loan…

Hoi nghi thuong dinh Han Trung Nhat
Hôm thứ Hai (27/5) tại Seoul – Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh và đưa ra tuyên bố chung. (Ảnh chụp màn hình video)

4 điểm chính trong tuyên bố chung

Hôm thứ Hai (27/5) tại Seoul – Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh và đưa ra tuyên bố chung. Tuyên bố bao gồm hợp tác trong một loạt lĩnh vực như kinh tế và thương mại, giao lưu nhân dân, biến đổi khí hậu, y tế và già hóa dân số.

Sau hơn 4 năm, đây là thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ do Nhật Bản tổ chức.

Reuters đưa tin, về hợp tác kinh tế và thương mại các nước đã đồng thuận tăng cường thảo luận đẩy nhanh đàm phán hiệp định thương mại tự do ba bên (FTA), nhấn mạnh lại ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở dựa trên luật lệ với nòng cốt là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Về giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa, ba bên đặt mục tiêu đến năm 2030 số người tham gia qua lại đạt 40 triệu lượt (trong các hoạt động giao lưu các lĩnh vực về văn hóa, du lịch, giáo dục…).

Về khí hậu, các bên cam kết sẽ có những hành động thiết thực nhằm đạt được mục tiêu về nhiệt độ được đưa ra tại Thỏa thuận Paris.

Về hòa bình khu vực và quốc tế, các bên tái khẳng định lợi ích và trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Các nước nhắc lại quan điểm về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và vấn đề bắt cóc.

Cùng ngày, Triều Tiên ra tuyên bố chỉ trích tuyên bố chung giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là “khiêu khích chính trị nghiêm trọng và vi phạm chủ quyền”.

Trả lời Epoch Times vào ngày 27/5 về hội nghị thượng đỉnh này, phó giáo sư Chen Ping-kuei tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan cho hay, đây là bước đi quan trọng trong trao đổi và hợp tác giữa ba bên. Sau khi Bắc Kinh liên tục chỉ trích Hàn Quốc liên kết với Nhật Bản để đối đầu Trung Quốc, đây là lần đầu tiên họ ngồi lại với nhau thảo luận về một số vấn đề ít liên quan đến chính trị mà thiên về kinh tế, thương mại.

Giáo sư Simon Chen khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan cũng nói với Epoch Times vào ngày 27/5, “Tôi nghĩ trọng tâm chính là trao đổi kinh tế, nhân văn và du lịch. Lý do chủ yếu là tình hình phát triển kinh tế và thương mại giữa các bên vẫn khá chặt chẽ: Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc, còn Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là đối tác thương mại thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư của Trung Quốc”; “Tất nhiên, các bên hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển trao đổi kinh tế chặt chẽ hơn vào thời điểm hoạt động này có thể trì trệ ở mức độ nhất định”.

Không đề cập Đài Loan và còn khác biệt các vấn đề an ninh khu vực

Dù vậy tuyên bố giữa các bên còn những vấn đề bỏ ngỏ, tiêu biểu như vấn đề Đài Loan không được đề cập.

Trước đó vào Chủ nhật (26/5) về hội đàm song phương giữa những người đồng cấp là Fumio Kishida và Lý Cường, truyền thông Nhật Bản đưa tin ông Kishida quan ngại về tình hình quân sự xung quanh Đài Loan, ông cho rằng “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là vô cùng quan trọng đối với cộng đồng quốc tế”.

Nhưng theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, ông Lý Cường nhắc lại rằng “lịch sử và vấn đề Đài Loan là những vấn đề lớn về nguyên tắc liên quan đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Nhật”.

Về những vấn đề an ninh nhạy cảm này, Giáo sư Simon Chen cho biết: “Ví dụ, vấn đề Đài Loan không được đề cập trong tuyên bố chung. Việc Nhật Bản lo ngại về hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga, hay Hàn Quốc lo ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì chỉ cho thấy thể hiện mang tính hình thức với hy vọng Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa nhưng không có yêu cầu cụ thể nào”; “Vì vậy về mặt an ninh và chính trị trong cuộc gặp lần này, có thể vẫn ở trong tình thế chỉ có thể thiết lập các kênh liên lạc, nhưng chưa có tiến triển”.

ĐCSTQ thời lãnh đạo Tập Cận Bình đã tăng cường quấy rối quân sự các nước láng giềng. Máy bay quân sự và tàu chiến của ĐCSTQ không ngừng quấy rối các nước và khu vực lân cận ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều đó khiến các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines… hợp tác ứng phó.

Giáo sư Simon Chen cho biết, tại cuộc gặp thượng đỉnh này ông Thủ tướng Lý Cường cũng kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc không tiến tới “chủ nghĩa bảo hộ” và tách rời kinh tế [với Trung Quốc], nhưng rõ ràng Nhật Bản và Hàn Quốc khó đáp ứng [khi ĐCSTQ tự mâu thuẫn]. “Vì vậy, về cơ bản tôi tin rằng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, ưu tiên hàng đầu của họ là tăng cường hợp tác với Mỹ”. Ông nhấn mạnh, “Đối với ĐCSTQ thì Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ hy vọng nhau có thể duy trì quan hệ kinh tế ở một mức độ nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ hy sinh quan hệ an ninh hoặc kinh tế với Mỹ vì lợi ích từ Trung Quốc”.

Quan hệ Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục được tăng cường

Tuyên bố ba bên này tái khẳng định cam kết của các bên trong việc duy trì hòa bình ở Đông Bắc Á. Thế nhưng ngay trong hôm ra tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một máy bay không người lái trinh sát và tấn công WL10 của ĐCSTQ đang bay trên Biển Hoa Đông ở phía bắc tỉnh Okinawa Nhật Bản, khiến các máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã xuất kích để đánh chặn.

Máy bay quân sự của ĐCSTQ vài năm qua không ngừng quấy rối lãnh hải Nhật Bản và khuyến khích Triều Tiên phóng tên lửa. Năm ngoái, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã lần lượt đến thăm Mỹ, qua đó Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế.

Hôm 27/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Campbell sẽ tổ chức đối thoại ba bên vào ngày 31/5 với những người đồng cấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác chung về an ninh kinh tế và an ninh cũng như duy trì hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan.

Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản vào ngày 30/5 cũng sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của Đối thoại Phát triển và Ngoại giao Chiến lược Mỹ-Nhật, hoạt động có sự tham dự của Campbell và người đồng cấp Nhật Bản Masaki Okano. Ông Campbell cũng sẽ có cuộc gặp song phương với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hong-kyun vào ngày 31 để thảo luận về vai trò quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Về vấn đề này, Giáo sư Đài Loan Simon Chen nhận định, Nhật Bản và Hàn Quốc trong 1- 2 năm qua đã nỗ lực hơn cải thiện quan hệ an ninh với Mỹ. Điều quan trọng nhất tất nhiên là đột phá trong quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc. Rõ ràng từ tuyên bố của Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc tại Trại David tổ chức ở Mỹ năm 2023, có thể nói mối quan hệ an ninh giữa ba bên này ngày càng tăng cường hơn. “Việc tăng cường chặt chẽ quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thực sự sẽ giúp Mỹ xây dựng hệ thống liên minh quân sự đa phương ở Đông Á tương tự như NATO của châu Âu. Trước đây Đông Á không có cách nào để xây dựng hệ thống liên minh quân sự tương tự như NATO là do vấn đề lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Với cải thiện đáng kể trong quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, ông tin rằng “Về cơ bản, tôi nghĩ hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc này không thay đổi. Hợp tác an ninh được tăng cường chặt chẽ giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục kể từ năm ngoái. Dù là về mặt hợp tác an ninh, kinh tế, hay chuỗi cung ứng, có thể nói tất cả đều được tăng cường chặt chẽ hơn”.

Chia rẽ giữa ĐCSTQ với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn không thay đổi

Về an ninh chính trị, ông Simon Chen cho rằng: “Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ mang tính hình thức về mặt an ninh. Mỗi bên có thể có cách nói riêng và sau đó thể hiện rằng sẵn sàng tiếp tục thiết lập kênh liên lạc với nhau, nhưng hiển nhiên là những mâu thuẫn hay khác biệt đều không hề thay đổi”.

Giáo sư Ping-Kuei Chen thì nhận định hội nghị thượng đỉnh này chỉ là bước khởi đầu, va chạm thực sự giữa các bên có thể sau này sẽ nổi rõ. Bắc Kinh muốn chứng tỏ rằng quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không trở nên quá xấu, nhưng ông Lý Cường đang tận dụng cơ hội này để phàn nàn về việc gần đây Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường quan hệ với Mỹ.

Ông lưu ý: “Quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc hiện không tốt lắm, đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải thiện quan hệ ba bên và cũng là bước đệm tốt. Tuy nhiên, những chiến lược mà Bắc Kinh sử dụng sẽ quyết định liệu họ có thành công trong bước đệm này hay không, vấn đề này tôi thấy bi quan”.