Ukraine và Nga đồng ý tạo hành lang sơ tán cho dân thường; Zelensky muốn gặp Putin
- Xuân Lan
- •
Nga và Ukraine hôm thứ Năm (3/3) đã nhất trí về sự cần thiết của các hành lang nhân đạo để giúp dân thường thoát khỏi cuộc xâm lược kéo dài 8 ngày của Moscow. Đây được coi là tiến bộ rõ ràng đầu tiên của các cuộc đàm phán giữa hai bên, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục trừng phạt đối với nhiều nhà tài phiệt Nga hơn.
Hàng nghìn người được cho là đã chết hoặc bị thương khi cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ hai nổ ra. Cuộc chiến cho đến nay khiến khoảng 1 triệu người phải đi tị nạn.
Các lực lượng Nga tiếp tục bao vây và tấn công các thành phố của Ukraine, trong đó có Mariupol, cảng chính ở phía đông, nơi đang bị pháo kích dữ dội, hiện không có nước và điện. Các quan chức nói rằng họ không thể sơ tán những người bị thương.
Sau cuộc hội đàm tại một địa điểm không được tiết lộ, Nga cho biết “tiến bộ đáng kể” đã đạt được trong khi phía Ukraine tỏ ra không hài lòng về kết quả, nhưng thể hiện rằng cần phải có sự giúp đỡ dân thường.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết cũng có thể tạm dừng giao tranh ở một số địa điểm được lựa chọn.
Ông nói: “Có nghĩa là, không phải ở mọi nơi, mà chỉ ở những nơi có hành lang nhân đạo. Có thể sẽ ngừng bắn trong suốt thời gian sơ tán.”
Hai bên cũng đồng ý việc vận chuyển thuốc men và thực phẩm đến những nơi đang diễn ra chiến sự ác liệt nhất.
Hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta dẫn lời ông Podolyak cho biết các nhà đàm phán sẽ gặp lại nhau vào tuần tới.
Phương Tây tăng cường lệnh trừng phạt
Phương Tây đã đáp trả cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng hàng loạt hỗ trợ quân sự cho Ukraine và chế tài đối với Điện Kremlin cũng như người Nga.
Kết quả của các lệnh trừng phạt cho đến nay có thể thấy rõ tại Nga khi hàng dài người xếp hàng bên ngoài các ngân hàng; đồng rúp lao dốc và ngày càng nhiều công ty nước ngoài rời đi.
Nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga Lukoil đã kêu gọi cuộc xung đột kết thúc càng sớm càng tốt, đồng thời nói rằng họ lo ngại về “những sự kiện bi thảm ở Ukraine.”
Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ và Anh đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với nhiều nhà tài phiệt hơn, diễn ra sau các biện pháp của EU.
Trong số bị chế tài mở rộng có ông trùm người Nga Alisher Usmanov, người sáng lập công ty khai thác Metalloinvest.
Tại Đức, chiếc du thuyền sang trọng trị giá gần 600 triệu USD của ông đã bị thu giữ và hiện neo đậu tại nhà máy đóng tàu ở Hamburg. Cơ quan kinh tế của Hamburg cho biết không có kế hoạch giao con tàu cho chủ sở hữu của nó.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhà Trắng cho biết các hạn chế về thị thực sẽ được áp dụng đối với 19 nhà tài phiệt Nga, các thành viên gia đình và cộng sự của họ.
1 triệu người tị nạn
Kyiv và các thành phố lớn khác vẫn do Ukraine kiểm soát nhưng Liên Hợp Quốc cho biết một triệu người hiện đã đi sơ tán, chủ yếu tìm kiếm nơi ẩn náu ở Ba Lan và các nước láng giềng khác ở phía tây.
Khi các cuộc pháo kích và tên lửa của Nga tiếp tục tấn công, chính phủ Ukraine đã tìm kiếm thêm hỗ trợ quân sự từ phương Tây.
“Làm sao các đối tác chưa cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine có thể ngủ được, trong khi trẻ em đang ngồi trong những tầng hầm bị bắn phá ..?” Ngoại trưởng Dmytro Kuleba viết trên Twitter.
Hoa Kỳ đã cảnh báo cuộc khủng hoảng là một mối đe dọa đối với trật tự dựa trên luật lệ.
Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ đã nhất trí với Ấn Độ, Australia và Nhật Bản về sự cần thiết phải tránh tình huống tương tự ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh chống lại Đài Loan.
Trung Quốc, nước đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu khiển trách Nga tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư, là cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Hôm thứ Năm, ngân hàng này cho biết họ sẽ đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến Nga và Belarus.
Chỉ có Belarus, Eritrea, Syria và Triều Tiên bỏ phiếu đồng ý với Nga.
Chiến sự tiếp diễn, nhiều phương tiện Nga bị sa lầy
Tại Moscow, ông Putin đã phớt lờ sự chỉ trích trên toàn thế giới và ca ngợi những người lính của mình như những anh hùng.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây tin rằng kế hoạch tác chiến của Nga nhằm tiến nhanh và đánh chiếm Kyiv đã bị thất bại, buộc Nga phải thay đổi.
Lực lượng tấn công chính – một đoàn xe khổng lồ gồm xe tăng, pháo binh và hỗ trợ hậu cần – đã bị mắc kẹt trong nhiều ngày ở phía bắc Kyiv.
Tại Washington, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Nga vẫn còn cách trung tâm thành phố Kyiv 25 km.
Số phận của Kherson, một cảng phía nam sông Dnipro, hiện vẫn chưa rõ ràng. Xe tăng Nga đã tiến vào hôm thứ Tư và thành phố được cho là đã thất thủ.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho biết Washington tin rằng vẫn còn giao tranh và họ chưa sẵn sàng nói rằng nó đã thất thủ.
Nga đã thừa nhận gần 500 binh sĩ của họ thiệt mạng kể từ khi giao tranh vào ngày 24 tháng 2. Trong khi đó, phía Ukraine cho biết gần 9.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng. Tuy vậy, các con số này không được xác minh độc lập.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng các đoàn quân Nga hiện đang bị sa lầy trên những con đường khi băng tan vào mùa xuân, biến đất trở thành bùn.
Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga tại Trung tâm Wilson ở Washington, D.C, cho biết lực lượng tấn công chính bị mắc kẹt trên đường cao tốc phía bắc Kyiv, và ngày qua ngày tình hình của họ ngày càng xấu đi.
Các dịch vụ khẩn cấp ở khu vực phía đông thành phố Chernihiv cho biết 33 thi thể đã được kéo ra khỏi đống đổ nát sau một cuộc không kích của Nga. Trước đó, thống đốc Viacheslav Chaus cho biết ít nhất 9 người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích nhằm vào các ngôi nhà và hai trường học.
Hai tàu chở hàng đã bị tấn công tại các cảng của Ukraine. Sáu thành viên thủy thủ đoàn đã được cứu trên biển sau khi một con tàu thuộc sở hữu của Estonia phát nổ và chìm ngoài khơi Odessa, và ít nhất một thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng trong vụ nổ trên một con tàu của Bangladesh tại Olvia.
Tại Borodyanka, một thị trấn cách Kyiv 60 km về phía tây bắc, nơi người dân địa phương tiếp tục chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của quân Nga, xác những xe thiết giáp cháy rụi của Nga nằm rải rác trên đường cao tốc, xung quanh là các tòa nhà bị bắn phá thành đống đổ nát.
Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi Tổng thống Nga Putin nói chuyện trực tiếp
Zelensky to Putin: “Good Lord, what do you want? Leave our land. If you don’t want to leave now, sit down with me at the negotiating table. But not from 30 meters away, like with Macron and Scholz. Sit down with me and talk. What are you afraid of? We’re no threat to anyone.” pic.twitter.com/CNsLj2yQ1N
— max seddon (@maxseddon) March 3, 2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngồi xuống và nói chuyện trực tiếp trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đang diễn ra.
Ông Zelensky đã gửi một tin nhắn cho Putin hôm thứ Năm, nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình, “Lạy Chúa, ngài muốn gì? Hãy rời khỏi đất của chúng tôi. Nếu ngài không muốn rời đi ngay bây giờ, hãy ngồi xuống bàn đàm phán với tôi. Nhưng không phải cách xa 30 mét, như với Macron và Scholz đâu nhé.”
“Tôi không cắn đâu, ngài sợ gì chứ”, ông Zelensky cho biết, theo hãng tin AP. Ông nói thêm: “Mọi lời nói quan trọng hơn phát súng,” nhấn mạnh sự cần thiết phải đàm phán, mặc dù ông thừa nhận rằng triển vọng cho một vòng đàm phán khác có vẻ không hứa hẹn.
Tổng thống Ukraine đã yêu cầu các nhà lãnh đạo phương Tây thiết lập vùng cấm bay trên các khu vực quan trọng của đất nước ông, nói rằng, “Nếu phương Tây làm điều này, Ukraine sẽ đánh bại kẻ xâm lược với ít máu hơn nhiều”.
“Nếu các vị không có khả năng đóng cửa bầu trời, thì hãy đưa máy bay cho tôi,” ông nói trong cuộc họp báo hôm thứ Năm.
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết con số mới nhất cho thấy ít nhất 240 thường dân đã chết và 553 người bị thương kể từ đầu cuộc chiến, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều.
Xuân Lan (t/h)
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine