WHO công bố nhóm điều tra đại dịch COVID-19 mới
- Lê Vy
- •
Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố vào hôm thứ Tư (13/10) một nhóm các nhà khoa học nhằm điều tra các mầm bệnh mới và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, đồng thời tiếp tục việc điều tra bị đình trệ về nguồn gốc của COVID-19.
Nhóm 26 chuyên gia sẽ chịu trách nhiệm tạo ra một khuôn khổ toàn cầu cho các nghiên cứu về nguồn gốc của các mầm bệnh mới và những mối nguy tiềm ẩn của đại dịch trong tương lai. Nó cũng bao gồm việc tìm hiểu thêm về nguồn gốc virus Vũ Hán.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng COVID-19, ngày càng có nhiều mầm bệnh có nguy cơ cao xuất hiện hoặc tái xuất hiện trong những năm gần đây, bao gồm MERS, virus cúm gia cầm, Lassa, Marburg và Ebola.
Đầu năm nay, WHO đã thông báo rằng họ sẽ thành lập một Nhóm Tư vấn Khoa học về Nguồn gốc của tác nhân gây bệnh mới (SAGO).
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Sự xuất hiện của các loại virus mới có khả năng gây ra các vụ dịch và đại dịch là một sự thật của tự nhiên, và mặc dù SARS-CoV-2 là loại virus mới nhất, nhưng nó sẽ không phải là cuối cùng”.
“Hiểu được các mầm bệnh mới đến từ đâu là điều cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.”
26 thành viên mà WHO đưa ra được lựa chọn từ hơn 700 đơn ứng tuyển trong các lĩnh vực khoa học khác nhau. Trong số này có cả nhà khoa học đến từ Viện di truyền học Bắc Kinh, và một số chuyên gia trong phái đoàn nghiên cứu chung điều tra nguồn gốc của COVID-19 trước kia.
Nhóm sẽ cung cấp cho WHO một đánh giá độc lập về tất cả các phát hiện khoa học và kỹ thuật hiện có từ các nghiên cứu toàn cầu về nguồn gốc của COVID-19.
Nhóm cũng tư vấn cho cơ quan y tế Liên Hợp Quốc về việc phát triển, giám sát và hỗ trợ loạt nghiên cứu tiếp theo về nguồn gốc của virus, cũng như lời khuyên về các nghiên cứu bổ sung.
Đại dịch đã giết chết hơn 4,85 triệu người và tàn phá nền kinh tế toàn cầu kể từ khi loại virus này lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.
Sau nhiều thời gian trì hoãn, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 1 năm 2021 để đưa ra báo cáo giai đoạn đầu, được viết cùng với các đối tác Trung Quốc.
Báo cáo tháng 3 của nhóm này đã không đưa ra kết luận chắc chắn nào, nhưng cho biết nhiều khả năng virus đã lây nhiễm từ dơi sang người thông qua một động vật trung gian.
Tuy nhiên, cuộc điều tra vấp phải sự chỉ trích vì thiếu tính minh bạch và khả năng tiếp cận cũng như không đánh giá sâu hơn lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Vào tháng 8, Trung Quốc đã bác bỏ lời kêu gọi của WHO về một cuộc điều tra mới trên thực địa về nguồn gốc của COVID-19.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết SAGO sẽ khẩn trương đánh giá những gì hiện đã biết, những gì vẫn chưa được biết và những gì cần nhanh chóng được thực hiện.
Michael Ryan, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết đây có thể là “cơ hội cuối cùng để hiểu nguồn gốc của loại virus này”.
Trước đó, hôm thứ Tư, Chen Xu, đại sứ của Trung Quốc tại LHQ tại Geneva, nói rằng công việc của SAGO không nên bị “chính trị hóa”.
Ông Xu cho biết kết luận của nghiên cứu chung trước kia đã rõ ràng và các đội điều tra quốc tế đã được cử đến Trung Quốc 2 lần và giờ “đã đến lúc cử họ đến những nơi khác.”
Lê Vy (theo AFP)
Xem thêm:
Từ khóa Nguồn gốc COVID-19 nhóm nghiên cứu mới của WHO về nguồn gốc COVID-19