Tạp chí Phố Wall (WSJ) của Mỹ hôm 14/10 cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời ông Tập Cận Bình nắm quyền ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh quốc gia, đã thúc đẩy các quan chức và công dân Trung Quốc đề phòng các mối đe dọa đối với lợi ích đất nước, tạo nên lực lượng vượt xa cả gián điệp của Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái hiện nay, mức độ huy động càng gia tăng, nhằm triệt phá nước đối thủ và giúp phục hồi kinh tế Trung Quốc.

gian diep DCSTQ
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Có thể lên tới 600.000 người hoạt động tình báo và an ninh

Theo FBI, số lượng tin tặc được Chính phủ Bắc Kinh hỗ trợ có tỷ lệ chênh lệch cao hơn ít nhất là ​​50 lần so với tổng số nhân viên mạng của FBI Mỹ; Giám đốc FBI Christopher Wray đã chỉ ra vào đầu năm nay rằng lượng hoạt động hack của ĐCSTQ có quy mô lớn hơn tất cả các nước lớn khác cộng lại. Một cơ quan châu Âu ước tính có thể có tới 600.000 người ở Trung Quốc chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và các hoạt động an ninh. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái thì nguy cơ hoạt động ác tính này sẽ gia tăng, vì các cơ quan tình báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng nhằm đánh cắp những đổi mới cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và ngăn chặn những lời chỉ trích trong nước từ bên ngoài.

Không thể kiềm chế hết được hoạt động đó của ĐCSTQ, các cơ quan tình báo phương Tây thay vào đó đã công khai kêu gọi các công ty và cá nhân cảnh giác khi tiếp xúc với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Calder Walton, chuyên gia an ninh quốc gia tại Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard, tin rằng vì Trung Quốc đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu nên động thái này sẽ vô ích, hầu hết các chính phủ phương Tây sẽ phải chấp nhận. Một trong những lý do khiến phương Tây khó phản công hiệu quả là vì, phương Tây trong vài thập kỷ qua đã duy trì thương mại với Trung Quốc, khiến hiện nay nhiều nước còn khó tiếp nhận vấn đề cấm vận Trung Quốc.

Tạp chí Phố Wall mô tả các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ là khó tin và thậm chí đáng sợ. Chỉ trong tháng trước, Mỹ đã tiết lộ một số hoạt động gián điệp lớn của ĐCSTQ, trong đó có cáo buộc của FBI rằng một công ty có quan hệ với Chính phủ Bắc Kinh đã xâm nhập vào thiết bị kết nối mạng, bao gồm camera và bộ định tuyến, của tới 260.000 người ở Mỹ, Anh, Pháp, Romania và các khu vực khác. Một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ cũng phát hiện ra cần cẩu do Trung Quốc sản xuất sử dụng tại các cảng của Mỹ cũng được cấy công nghệ có thể cho phép nhà chức trách Trung Quốc bí mật kiểm soát chúng. Một trường hợp gây ồn ào gần đây như bà Tôn Văn (Sun Wen, người Mỹ gốc Hoa) – cựu Phó chánh văn phòng của Thị trưởng New York Kathy Hochul – bị phanh phui là đặc vụ Trung Quốc.

Ton Van 1
Chiều thứ Ba (ngày 3/9/2024), bà Tôn Văn (bên phải) được tại ngoại với số tiền 1,5 triệu USD, còn ông Hồ Kiêu chồng bà (bên trái) được tại ngoại với số tiền 500.000 USD. Lần ra tòa tiếp theo của họ là vào ngày 25/9. (Ảnh: Hoàng Tiểu Đường / Epoch Times)

Không chỉ vậy, hồi tháng 9 Mỹ còn cáo buộc trong cuộc tập trận của Vệ binh Quốc gia Mỹ vào tháng 8 năm ngoái, có 5 du học sinh Trung Quốc (vào thời điểm đó họ đang theo học tại Đại học Michigan) bị phát hiện đột nhập vào trại để chụp ảnh, khi đó vừa may lúc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đang hỗ trợ huấn luyện quân đội Đài Loan. FBI cũng cảnh báo ĐCSTQ đã thông qua hàng trăm bộ định tuyến ở Mỹ để xâm nhập vào hệ thống cung cấp nước và năng lượng của Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng một khi Mỹ can thiệp vào bảo vệ chủ quyền Đài Loan trong trường hợp bị ĐCSTQ xâm lược, khi đó cơ sở hạ tầng của Mỹ có thể bị ĐCSTQ tấn công phủ đầu.

Giới chức tình báo phương Tây cáo buộc gián điệp ĐCSTQ thường hoạt động “không theo lẽ thường”, chẳng hạn họ không quan tâm liệu có bị bắt quả tang hay không. Không giống như Nga, hiếm khi ĐCSTQ tìm cách thay thế các điệp viên sau khi họ bị bắt. Một yếu tố khác cản trở các biện pháp đối phó của phương Tây là các hoạt động tình báo của ĐCSTQ có sự tham gia của nhiều cơ quan và doanh nghiệp tư nhân, hoạt động phần lớn mang tính tự chủ, khiến bên ngoài khó xâm nhập. Mặt khác thủ đoạn tình báo của Trung Quốc cũng thường không có tính kế hoạch, các chủ thể hành động nhà nước cũng như tư nhân dường như không tuân thủ nghiêm ngặt các mục tiêu chung mà các quan chức cấp cao đặt ra.

Đức và Anh tiết lộ nỗi kinh hoàng của gián điệp Bắc Kinh

Theo các nguồn tin như từ NewsweekĐài VOA, trong một tài liệu công bố hôm 12/2, cơ quan tình báo Na Uy tuyên bố rằng các hoạt động tình báo của ĐCSTQ bao gồm tình báo chính trị và hoạt động gián điệp công nghiệp, cửa ngõ chính là không gian mạng.

Cơ quan tình báo Na Uy cho biết, các cơ quan tình báo ĐCSTQ đã sử dụng một loạt công cụ phổ biến và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để che giấu hoạt động khi tiến hành các hoạt động trên khắp châu Âu.

Được biết, các cơ quan tình báo Trung Quốc không còn thực hiện nhiệm vụ đơn độc mà được sự hỗ trợ từ các nhà ngoại giao, các phái đoàn du lịch, cá nhân, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích đặc biệt.

Ngoài ra, cơ quan tình báo Trung Quốc còn dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với các công ty Trung Quốc. Theo luật pháp Trung Quốc, tất cả công dân và công ty Trung Quốc phải hỗ trợ chính phủ thu thập thông tin tình báo khi được yêu cầu.

Chính phủ Na Uy cảnh báo phương Tây đang đối mặt với tình hình an ninh nguy hiểm hơn năm ngoái, chủ yếu do các nhóm cực đoan như Hamas được Trung Quốc, Nga và Iran hậu thuẫn đã trở thành thách thức không nhỏ đối với trật tự thế giới hiện nay.

Cựu sĩ quan tình báo Anh: Rủi ro lâu dài của gián điệp Trung Quốc vượt trên Nga

Ông Nigel Inkster, cựu quan chức tình báo của cơ quan tình báo nước ngoài MI6 Anh, nói rằng các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ đã gây ra rủi ro lâu dài cho Anh, thậm chí còn lớn hơn những rủi ro do các hoạt động liên quan đến Nga gây ra.

Ông cho hay cộng đồng tình báo Anh hiện đang thiếu những nhân tài về vấn đề Trung Quốc – những người có khả năng chống lại các rủi ro liên quan Trung Quốc, chẳng hạn như kiến ​​thức về Trung Quốc và ĐCSTQ, hay kỹ năng ngôn ngữ Trung Quốc. Tình trạng này một phần là do “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc mà Chính phủ Anh trước đây đã thúc đẩy. Trong bối cảnh như vậy khiến nhà chức trách cũng không thể tích cực được trong việc theo sát các hoạt động bí mật của Trung Quốc.

Inkster chỉ ra rằng mặc dù thủ đoạn tàn bạo riêng lẻ trong các hoạt động tình báo của Trung Quốc có thể chưa bằng của Nga, nhưng về chiến lược tổng thể thì ông vẫn lo ngại Trung Quốc hơn Nga. Trung Quốc không như Nga thường nhiệt tình với các vụ ám sát, theo nhận định của Inkster, điều này không phải vì Trung Quốc có những lo ngại về đạo đức mà vì Bắc Kinh xác định rằng làm như vậy không hay ho gì cho lợi ích chiến lược tổng thể của họ.

Ông đặc biệt chỉ ra rằng những cáo buộc của Bắc Kinh về hoạt động gián điệp nước ngoài có thể được sử dụng để tuyên truyền trong nước ở Trung Quốc, nhằm củng cố vị thế cai trị của ĐCSTQ. Logic của việc này là nếu có chuyện gì xảy ra thì đó sẽ không bao giờ là lỗi của ĐCSTQ, vậy chắc chắn là lỗi của người khác.

Theo tờ Deutsche Welle (Đức) ngày 16/12/2023, một bài báo đã được đăng trên tạp chí Der Spiegel mới nhất của Đức, trong đó đề cập đến mọi khía cạnh về sự xâm nhập của các cơ quan gián điệp ĐCSTQ vào xã hội Đức.

Nói về khác biệt với gián điệp Nga thường thực hiện các vụ ám sát trắng trợn ở các nước phương Tây, gián điệp hoặc hacker Trung Quốc sẽ hiếm khi sử dụng các biện pháp quyết liệt; và họ chắc chắn sẽ không lợi dụng thời kỳ bầu cử ở các nước phương Tây như hacker Nga thường làm, tung ra những bằng chứng chống lại một số chính trị gia nhất định. Thay vào đó Trung Quốc sẽ tập trung vào các mục tiêu dài hạn và tiếp tục ẩn nấp trong thời gian dài và tiếp tục âm thầm rình mò thông tin.

Tờ Der Spiegel dẫn báo cáo từ nhiều tổ chức tư vấn chỉ ra, về lâu dài thì tính hiệu quả trong những hoạt động lặng lẽ như vậy của tình báo ĐCSTQ là rất lớn.

Theo khảo sát đối với hơn một nghìn công ty Đức được Trung tâm nghiên cứu Mercator Trung Quốc (MERICS) của Đức thực hiện, chỉ riêng năm ngoái có khoảng 730 công ty được khảo sát cho biết họ đã bị tấn công, và trong đó ít nhất 42% có thể xác định được tấn công từ Trung Quốc.