Bắc Kạn: 8 người ngộ độc nặng sau bữa cơm chiêu đãi, nghi do mật cá trắm
- Nguyễn Sơn
- •
Ngay sau bữa cơm tối chiêu đãi con cháu từ xa về, 6 người trong gia đình bà H. và 2 người hàng xóm có biểu hiện ngộ độc nặng, hàng xóm phát hiện ra đã đưa đi cấp cứu.
Theo tin từ Sở Y tế Bắc Kạn sáng 10/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn vào tối 9/7 đã tiếp nhận cấp cứu cho 8 trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm. Trong đó, 3 người bị suy hô hấp nặng phải thở máy.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn sau đó đã liên hệ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chuyển 2 người nặng trong số 3 người này tới để tiếp tục điều trị. Người còn lại tới sáng 10/7 đã có chỉ số ổn định.
5 trường hợp còn lại sau khi được cấp cứu cũng qua cơn nguy kịch.
Trước đó, vào chiều 9/7, gia đình bà N.T.H. (xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) chuẩn bị bữa tối chiêu đãi con cháu từ Hà Giang về. Sau khi ăn, 8 người gồm vợ chồng bà H., 4 con gái, con rể và 2 người hàng xóm trong thôn có biểu hiện ngộ độc.
Hàng xóm phát hiện, đưa 8 người đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn – ông Đinh Mạnh Cường cho biết hiện Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã lấy mẫu gửi đơn vị kiểm nghiệm độc tố. Xác minh sơ bộ ban đầu cho thấy trong bữa cơm tối của gia đình bà H. có món canh lòng cá trắm nấu rau rừng. Ông Cường nhận định có thể nguyên nhân ngộ độc do ăn mật cá trắm.
Từ đầu năm 2014, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.
Độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid có 27 carbon gọi là 5α Cyprinol và gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Mức độ gây ảnh hưởng của mật cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên chắc chắn sẽ gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Năm 2015, TS.BS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết trung bình mỗi năm Trung tâm Chống độc tiếp nhận 4-6 bệnh nhân bị ngộ độc mật cá trắm ở các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam…, bệnh nhân được chuyển đến thường ở giai đoạn nặng.
Theo bác sĩ Sơn, ngộ độc mật cá trắm có thể gây tử vong nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện muộn với các biến chứng nặng như: phù phổi cấp, suy thận cấp, suy gan cấp, tăng kali máu cấp, co giật, phù não,…
Một số trường hợp khuyến cáoTháng 2/2014, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân 14 tuổi (Bắc Ninh) trong tình trạng nôn mửa, đi ngoài, đau dữ dội vùng thượng vị, men gan tăng… Nguyên nhân do vào chiều mùng 3 Tết, sau khi mua một con cá trắm to về làm lẩu, mẹ bệnh nhân đã lấy mật cá cho con uống để chữa bệnh đường ruột. May mắn là bệnh nhân chưa bị suy thận, chỉ bị tổn thương gan. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã tạm thời ổn định. Cũng vào dịp Tết Nguyên đán, tháng 2/2017, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân N.V.T. (SN 1959, Hà Nam) bị suy thận do ngộ độc mật cá trắm đen. Người nhà bệnh nhân cho biết nghe mọi người mách, ông T. đã pha mật cá trắm đen vào rượu uống để tăng cường sức khỏe. Sau khi uống rượu mật cá được khoảng 7 tiếng, ông T. đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít. Nhưng kiêng đầu năm không đi khám bệnh nên ông T. chịu đau 4 ngày cho đến lúc không chịu nổi mới đi khám. Tại Trung tâm Chống độc, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chạy thận cấp cứu vì suy thận. Theo bác sĩ, nếu ông T. đến bệnh viện muộn hơn và không được chạy thận lọc độc thì có thể tử vong. Tháng 11/2015, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cung cấp thông tin về bệnh nhân Nguyễn Văn T. (SN 1977, Hải Phòng). Bị đau dạ dày, anh T. nghe người quen mách nên đã xin một túi mật của cá trắm khoảng 3 kg về nhúng nước sôi rồi nuốt. Hai giờ sau, anh T. đau bụng, nôn nao, rồi tiếp tục đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy. Do vẫn nấn ná ở nhà, 2 ngày sau, tới khi anh T. mặt sưng nề phù nước, bụng to trướng, mệt nhiều, gia đình đưa đi khám ở bệnh viện địa phương, được bác sĩ yêu cầu nhanh chóng lên trung tâm chống độc để điều trị. Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai xác định bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng vàng da, vàng mắt do suy gan; bụng to trướng phù ứ nước, tiểu ít do suy thận cấp. |
Nguyễn Sơn
Từ khóa ngộ độc thực phẩm suy gan suy thận mật cá trắm