Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn thu hồi sữa Hapomil và ngừng tư vấn sử dụng tại tất cả khoa điều trị.

benh vien da khoa tinh bac kan thu hoi sua hapomil Copy
Sữa Hapomil bị thu hồi. (Ảnh: bvdkbackan.com.vn)

Theo trang thông tin điện tử Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, qua rà soát, Bệnh viện xác định sản phẩm sữa Hapomil được cung ứng trong bệnh viện do Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Rance Pharma sản xuất.

Đây là công ty trong đường dây sữa giả vừa được cơ quan công an phát hiện và đang điều tra.

Sữa Hapomil do Công ty Cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World cung ứng. “Sản phẩm này được đưa vào sử dụng sau quá trình đấu thầu đúng quy định pháp luật. Bệnh viện không ký kết hợp đồng trực tiếp với Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma”, phía bệnh viện cho hay.

Công ty Cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World hiện không có tên trong danh sách các công ty bị công bố có liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn tuyệt đối cho người bệnh, từ ngày 12/4, bệnh viện đã dừng tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hapomil tại tất cả các khoa điều trị, đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm để trả lại nhà cung cấp.

“Hiện chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về việc sản phẩm sữa Hapomil có phải là hàng giả hay không. Trong trường hợp sản phẩm bị kết luận là hàng giả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cùng với người sử dụng loại sữa trên đều là bên bị hại, và Bệnh viện cam kết sẽ đồng hành cùng người bệnh để đòi lại quyền lợi chính đáng”, phía bệnh viện cho hay.

Như vậy, đây là bệnh viện thứ hai đã thông báo thu hồi sữa. Hôm qua (17/4), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus.

Trước đó, ngày 12/4, Bộ Công an đã phát hiện đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả dành cho người bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

8 người bị bắt, bị khởi tố về các tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo công an, từ tháng 8/2021, những người này đã thành lập Công ty Cổ phần Dược Quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.

Ngoài ra, họ còn liên doanh với nhiều người khác, lập thêm 9 công ty nhằm công bố nhãn hiệu và phân phối sản phẩm từ nhà máy của Rance Pharma và Hacofood.

Các loại sữa này được quảng cáo chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, óc chó… Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy sản phẩm không chứa các thành phần này, chất lượng chỉ đạt dưới 70% mức công bố, đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Trong vòng 4 năm (từ 2021 đến nay), các bị can đã thông qua nhiều công ty để tiêu thụ sữa bột giả ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.

Minh Long