Vụ sản xuất sữa bột giả, thu lợi 500 tỷ đồng: 8 người bị khởi tố
- Phạm Toàn
- •
Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố 8 bị can trong vụ sản xuất, kinh doanh sữa bột giả tại Rance Pharma và Hacofood Group, gây thiệt hại hơn 28 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
- Thanh Hóa: Đường dây sản xuất, buôn bán 2,7 tấn nguyên liệu trà sữa giả
- Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Hà Lan chỉ đạo sản xuất sữa giả

Ngày 13/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group và một số cơ quan, tổ chức có liên quan tại TP. Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. 8 bị can trong vụ việc bị khởi tố.
Cụ thể, 3 bị can bị khởi tố về các tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm:
- Hoàng Mạnh Hà (SN 1979), cổ đông góp vốn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma (từ tháng 8/2021 – 8/2024), đồng thời là cổ đông góp vốn Công ty Hacofood;
- Vũ Mạnh Cường (SN 1979), cổ đông góp vốn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood (từ tháng 4/2022 – 10/2024), đồng thời là cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma;
- Đặng Trung Kiên (SN 1988), cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood.
1 bị can bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” là Hồ Sỹ Ý (SN 1988), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, người điều hành nhà máy sản xuất.
4 bị can bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm:
- Nguyễn Thành Luân (SN 1987), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8/2024;
- Nguyễn Văn Tú (SN 1981), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 10/2024;
- Nguyễn Thu Thủy (SN 1970), Kế toán trưởng của hai Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood;
- Nguyễn Thị Mai Hương, nhân viên kế toán kiêm thủ quỹ của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood.

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình khám xét tại 19 địa điểm bao gồm nhà máy sản xuất và văn phòng làm việc của các bị can, đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau, tổng số 26.740 lon thuộc 90 lô sản xuất, cùng nhiều tài liệu và vật chứng phục vụ công tác điều tra.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đã không ghi nhận đầy đủ doanh thu vào sổ sách kế toán, trốn kê khai thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng.
Trước đó, từ năm 2021, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột trên thị trường trong nước tăng cao, các bị can đã thành lập công ty để tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sữa bột giả.
Đến nay, nhóm này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Cơ quan công an cho biết dù công bố thành phần sản phẩm có chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó… nhưng thực tế sản phẩm không chứa các thành phần này mà chỉ sử dụng một số nguyên liệu thông thường cùng phụ gia.
Kết quả giám định cho thấy một số sản phẩm sữa bột có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ để xác định là hàng giả.
Trong vòng 4 năm (từ 2021 đến nay), các bị can đã thông qua nhiều công ty để tiêu thụ sữa bột giả ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, Công ty Rance Pharma sở hữu nhà máy rộng tới 5000m2 tại khu công nghiệp Phú Mỹ (Chương Mỹ, Hà Nội), được đầu tư bài bản, máy móc hiện đại để sản xuất sữa thành phẩm và đạt chuẩn FDA. Cũng theo những gì từng được công bố trước đây, nguồn nguyên liệu được nhà máy nhập về “cam kết” có nguồn gốc Mỹ, Úc và các nước thế mạnh về sữa.
Từ khóa công ty Hacofood Group Bộ Công an Sữa bột giả sữa giả công ty Rance Pharma
