Dự kiến đến tháng 6/2025, khi Nhà máy xử lý rác Phan Thiết đảm bảo tiếp nhận, xử lý rác thải của toàn thành phố, bãi rác Bình Tú mới chính thức được đóng cửa.

bai rac binh tu 0
Bãi rác Bình Tú vẫn phải tiếp nhận rác dù đã quá tải từ lâu, do công suất của nhà máy xử lý rác duy nhất tại thành phố chưa đạt một nửa. (Ảnh chụp màn hình video/Truyền hình Bình Thuận)

HĐND tỉnh Bình Thuận vào ngày 17/7 đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác Bình Tú (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 88,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư của ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 – 2030.

Hạng mục chính là xây dựng bãi chôn rác thải với diện tích khoảng 6,3 ha. Hạng mục phụ gồm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và nhà điều hành, đường nội bộ, điện, nước, sân vườn trồng cây xanh, cổng tường rào bảo vệ…

Dự án được xếp vào nhóm B, thời gian thực hiện trong 4 năm.

Bãi rác Bình Tú là bãi rác lộ thiên, nằm ở phía nam TP. Phan Thiết, hoạt động từ năm 1999 đến nay. Hiện toàn bộ lượng rác thải của thành phố này đều được thu gom, đổ dồn về đây. Ước tính lượng rác thải tiếp nhận mỗi ngày khoảng 410 tấn, gồm rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải rắn, chất thải từ chế biến hải sản…

Hiện bãi rác đã quá tải; phương pháp xử lý rác thải tại Bãi rác Bình Tú chỉ đơn giản là san gạt và phun các loại hóa chất, chế phẩm khử mùi, diệt ruồi. “Phương pháp xử lý như trên chưa thật sự căn bản và đảm bảo theo mô hình chôn lấp rác hợp vệ sinh và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực” – theo nhận định của chính quyền tỉnh này.

Tháng 2/2020, UBND TP. Phan Thiết từng báo cáo UBND tỉnh về hiện trạng tự bốc cháy tại bãi rác Bình Tú. Theo lý giải, hố chôn lấp rác tại bãi rác đã quá đầy, việc xử lý chỉ là san gạt sang xung quanh, trên bề mặt đất của hố rác cũ và dồn lên thành từng đống cao và xử lý phun thuốc. Trong mùa khô hanh, lượng rác lâu ngày tồn đọng phát sinh các loại khí dễ cháy, kết hợp ánh sáng mặt trời hội tụ qua các loại rác thủy tinh vỡ tạo nhiệt nên đã xảy ra hiện tượng rác tự bốc cháy âm ỉ, khói bay lan tỏa xung quanh.

bai rac binh tu 1
Lửa tự phát tại bãi rác Bình Tú. (Ảnh chụp màn hình video/Truyền hình Bình Thuận)

Với kế hoạch xử lý ô nhiễm tại bãi rác Bình Tú và một phần rác thải của huyện Hàm Thuận Nam, năm 2015, tỉnh Bình Thuận đã cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty Nhật Hoàng xây dựng Nhà máy xử lý rác Phan Thiết. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 495 tỷ đồngdiện tích khoảng 10,02ha, cách bãi rác hiện hữu khoảng 4 km về hướng nam.

Dự án ban đầu đặt ra mục tiêu chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6/2020, tuy nhiên, do bị chậm tiến độ, đến tháng 10/2023 nhà máy mới vận hành. Dự tính trong giai đoạn 1, nhà máy vận hành 2 cụm lò đốt rác hiện đại xử lý khoảng 200 tấn rác/ngày đêm; sau 6 tháng, hoàn chỉnh vận hành 4 cụm lò, nâng công suất lên 300 tấn – 400 tấn rác/ngày đêm;

Nhưng thực tế, Nhà máy xử lý rác Phan Thiết mới đang hoạt động 1 cụm lò, công suất hoạt động tối đa 150 tấn/ngày đêm; 2 cụm lò còn lại đến nay vẫn chưa được lắp đặt trang thiết bị để xử lý rác.

Theo kế hoạch, khi Nhà máy xử lý rác Phan Thiết hoàn thiện (dự kiến là tháng 6/2025), thu gom toàn bộ rác thải tại bãi rác Bình Tú về xử lý sẽ đóng cửa bãi rác này để cải tạo phục hồi môi trường.

HĐND tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với Công ty Nhật Hoàng để xác định lại chính xác thời gian đóng cửa bãi rác, phương án xử lý rác sau khi đóng cửa. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2025, Công ty Nhật Hoàng không thể tiếp nhận, xử lý rác theo đúng cam kết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đưa ra phương án khác báo cáo cấp thẩm quyền xem xét để làm cơ sở triển khai đóng cửa bãi rác Bình Tú.

Truyền hình Quốc hội dẫn tin theo thống kê, có hơn 500 hộ dân tại xã Tiến Thành và Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do ô nhiễm tại bãi rác Bình Tú.

Nguyễn Sơn