Dự kiến, giáo viên được dạy thêm ngoài giờ những em đang học trên lớp, với điều kiện phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng.

r dạy thêm
Dạy thêm, học thêm khiến học sinh phải học các kiến thức cơ bản trong môi trường và không gian thiếu thốn, chật hẹp, tùy tiện. (Ảnh: congdankhuyenhoc.vn)

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, lấy ý kiến từ 22/8 đến 22/10.

Dự thảo này nhằm thay thế Thông tư số 17 năm 2012 của Bộ GD&ĐT.

Đáng chú ý, dự thảo mới cho phép giáo viên được dạy thêm học sinh mà mình đang trực tiếp dạy học tại trường. Điều kiện, giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

Theo dự thảo, tổng thời lượng dạy chính khóa và dạy thêm trong trường không quá 35 tiết mỗi tuần với cấp tiểu học, 42 tiết với THCS và 48 tiết với THPT.

Trường học sẽ thu tiền học thêm theo mức mà HĐND cấp tỉnh quy định, thay vì được chủ động mức thu dựa trên thỏa thuận với phụ huynh như hiện nay.

Tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, công khai các môn sẽ dạy cùng thời lượng, học phí, thời gian, địa điểm và danh sách giáo viên.

Trước đó, tại Thông tư 17 năm 2012 quy định các trường hợp không được dạy thêm như: Không dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhất là với học sinh đang dạy chính khóa.

Dự thảo trên nhận được nhiều ý kiến.

Tài khoản Nguyễn Thế Viễn: Thời chúng tôi, các thầy cô giáo chỉ phụ đạo thêm cho những học sinh học không tốt và không nhận tiền. Chính vì vậy, chúng tôi luôn nhớ đến các thầy cô với sự trân trọng. Việc các thầy cô vì thu nhập của mình bắt tất cả học sinh phải học thêm sẽ làm méo mó hình ảnh của các giáo viên khi các cháu bắt đầu có hiểu biết. Tôi nghĩ không nên để việc dạy thêm để các thầy cô giáo kiếm thêm thu nhập từ chính các học sinh của mình.

Tài khoản Vân Đặng Thuý: “Không nên cho phép dạy thêm chính học sinh của mình trên lớp. Tôi cũng là giáo viên tôi biết. Và các con tôi cũng đang học tiểu học. Khi học thêm thầy cô sẽ giảng bài mới. Nên khi dạy trên lớp thường các học sinh học thêm biết rồi nên cô sẽ giảng lướt. Các em học nào nếu không học thêm và học yếu sẽ không theo được đâu. Tôi ủng hộ dạy thêm nhưng với điều kiện không được dạy chính học sinh của mình ở lớp đang dạy.”

Như Quỳnh: “Theo quan điểm của tôi thì giáo viên có quyền dạy thêm, học sinh có quyền học thêm nếu có nhu cầu. Nhưng giáo viên dạy thêm cần nghiêm cấm dạy học sinh của mình ở trên lớp. Có rất nhiều học sinh bị trù dập nếu không học thêm của thầy cô dạy lớp mình. Học sinh có nhu cầu đi học thêm thầy cô giáo khác để giỏi hơn nhưng cứ phải tham gia thêm lớp học của giáo viên dạy mình để không bị trù dập trên lớp. Thật sự rất bất cập. Nếu giáo viên dạy giỏi, có uy tín thì cho dù không dậy học sinh lớp mình cũng có rất nhiều học sinh đăng kí học”.

vancuong tham: “Nhất trí, học thêm với cô dạy mình ở lớp là điều không hợp lý, nhưng học sinh đi học với cô thì sẽ được quan tâm, ưu ái hơn gây bất công, ức chế cho những học sinh không đi học thêm. Học thêm điểm số sẽ cao không đúng với năng lực, dẫn đến chủ quan, tự tin thái quá, ảo tưởng bản thân. Đã có trường hợp ở địa phương tôi sống có học sinh đi học thêm nhà cô được 4 năm học sinh giỏi. Cha mẹ không biết tưởng con em mình giỏi thật đi khoe cả xóm, năm nào cũng nhận tiền thưởng từ cơ quan, tổ dân phố. Nhưng thi vào trường cấp 3 thành phố trượt vỏ chuối, gây ra cú sốc tinh thần, cha mẹ trách móc. Đã có những điều tồi tệ xảy ra. Trong khi đó học sinh khác học lực trung bình, khá lại đậu vào trường cấp 3 thành phố”.

Hiếu Nguyễn: “Mỗi học sinh đều có điểm mạnh và giỏi riêng. Nên việc các cháu tự do chọn thầy cô phù hợp để học nếu có nhu cầu đó là điều rất tốt để có nền giáo dục và học sinh chất lượng cao phải không nhỉ? Mọi hành vi cản, cấm học hoặc bắt phải đi học thì có lẽ mới là điều cần xem tại sao?”

Minh Long