Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép một số đơn vị tổ chức lại kỳ thi IELTS
- Phan Anh
- •
Hôm 17/11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã ra thông báo về việc cho phép một số đơn vị tổ chức lại kỳ thi IELTS (Hệ thống Kiểm tra Ngôn ngữ Tiếng anh Quốc tế).
Theo Quyết định 370/QĐ-BGDĐT, Bộ phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) và IELTS Australia Pty Ltd (Australia).
Tại Quyết định số 3731/QĐ-BGDĐT, Bộ phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Linguaskill giữa Công ty Cổ phần nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm công nghệ REAP và Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà Xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge.
Trước đó, ngày 11/11/2022, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại và Hội đồng Anh (British Council).
Đây là chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh đã được cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư số 11/2022/TT-BGD&ĐT ngày 26/7/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP còn chưa cụ thể. Do đó, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ GD & ĐT cho biết rằng cơ quan này đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, email) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GD & ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Được biết, trưa ngày 10/11, cả hai đơn vị tổ chức kỳ thi IELTS là Hội đồng Anh và IDP thông báo hoãn mọi kỳ thi IELTS và Aptis của tổ chức này tại Việt Nam cho đến khi có quyết định mới.
Hôm 8/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu các Sở tăng cường quản lý liên kết, tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Bộ yêu cầu kiểm tra, rà soát điều kiện để tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài theo Thông tư 11, được ban hành vào ngày 26/7/2022.
“Trong thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người thi. [Các Sở Giáo dục và Đào tạo] chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, trích nội dung công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại Việt Nam, phần lớn thí sinh tham dự kỳ thi IELTS với mục đích bổ sung chứng chỉ vào hồ sơ du học, làm việc tại nước ngoài hoặc giảng dạy tiếng Anh tại các trung tâm, trường học ngoài công lập. Vài năm gần đây, nhiều đại học ở Việt Nam có xu hướng tuyển sinh bằng điểm IELTS kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, nếu có chứng chỉ này, sinh viên sẽ được miễn một số học phần tiếng Anh và xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Phan Anh
Từ khóa Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ thi IELTS