Bộ Quốc phòng di chuyển đơn vị quân sự, dành mặt bằng cho sân bay Tân Sơn Nhất
- Vĩnh Long
- •
Các phương án quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm mục đích mở rộng, nâng công suất của cảng lên mức 43-45 triệu khách/năm, đảm bảo an ninh hàng không, yêu cầu về quốc phòng và an ninh quốc gia.
Ngày 4/4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Quốc phòng họp bàn về phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Phương án điều chỉnh quy hoạch được thống nhất theo hướng phân định rõ, độc lập các khu vực phục vụ quốc phòng và khu vực mở rộng, khai thác dân dụng sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm xây dựng nhà ga, khu sân đỗ, khu bảo dưỡng máy bay…
Hai Bộ cũng thống nhất về phương án và nguồn kinh phí hỗ trợ việc di chuyển, bố trí lại các đơn vị, thiết bị quân sự để dành mặt bằng cho các dự án dân sự (xây dựng hạ tầng hàng không, thiết kế hệ thống giao thông để giảm thiểu ùn tắc…).
Bộ GTVT cho biết trước mắt sẽ triển khai xây dựng nhà ga dân dụng T4, nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách nâng công suất của Tân Sơn Nhất. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu năm 2017 phải hoàn tất việc đầu tư xây dựng sân đỗ khu vực 21 ha; việc sửa chữa đường cất hạ cánh, xây dựng nhà ga T3, T4 cố gắng hoàn thành trong năm 2018.
Trước đó, ngày 21/2, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đã ký kết biên bản tạm bàn giao gần 20 ha sân đỗ quân sự tại Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ dân sự. Theo thông tin do Bộ Quốc phòng cung cấp, hiện Tân Sơn Nhất chỉ có 50 vị trí đỗ cho máy bay, trong khi nhu cầu dân dụng cần đến khoảng 80 vị trí.
Ngày 22/2, đơn vị tư vấn – Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Bộ Quốc phòng đã trình bày chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, chia thành 3 nhóm phương án. Trong đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nhóm phương án 3 là phù hợp nhất.
Đây là nhóm phương án không xây mới đường cất hạ cánh, mà xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường băng và sân đỗ; xây đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường băng; cải tạo đường băng phía Bắc hiện nay; xây nhà ga lưỡng dụng T3 (công suất 10 triệu hành khách/năm), xây nhà ga hành khách T4 (công suất 10 triệu khách/năm) ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay.
Nhóm phương án này không lấy đất ở khu vực sân golf và nhà dân và giảm diện tích đất quân sự phải lấy từ 90,1 ha xuống 24,52 ha. Theo tính toán, phương án này sẽ nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm trong khi chi phí thấp nhất và thời gian xây dựng nhanh nhất trong 3 nhóm phương án. Dự kiến, tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 19.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2-3 năm.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa sân bay Tân Sơn Nhất Bộ GTVT Bộ Quốc phòng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất