Về hai vụ bạo hành trẻ em gây xôn xao dư luận vừa xảy ra ở Bắc Ninh và Bến tre, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế hai tỉnh này yêu cầu xử lý vụ việc.

Hình ảnh bảo mẫu bạo lực trẻ em và liên tục nhồi nhét thức ăn vào miệng khiến trẻ la khóc, thức ăn trào ra người. (Ảnh: Chụp màn hình/ THVL 24News/YT)

Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có công văn ngày 19/4 gửi Sở Y tế Bắc Ninh nhằm xác minh, xử lý vụ việc trẻ em nghi bị giáo viên bạo hành.

Theo công văn này, trong những ngày gần đây, trên một số báo như Dân trí, Tuổi trẻ… và một số tài khoản mạng xã hội liên tục đăng bài kèm theo hình ảnh, clip về việc giáo viên tại Trường Mầm non Công ty may Đáp Cầu (phường Thị Cầu, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bạo lực trẻ em.

Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh được đề nghị phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương nơi xảy ra vụ việc theo dõi, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực theo luật định.

Ngành chức năng được yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người có hành vi vi phạm quyền trẻ em; xem xét việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức chậm trễ trong việc xử lý vụ việc (nếu có).

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tích cực truyền thông, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em; không để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh báo cáo kết quả về Cục Bà mẹ và Trẻ em trước ngày 25/4 để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, theo Công văn.

Theo báo Vietnamnet, bà Trần Thị Hòa – Hiệu trưởng nhà trường đã xác nhận sự việc xảy ra vào khoảng 9h45 ngày 16/4 ở lớp mẫu giáo nhỏ tại trường Mầm non Công ty may Đáp Cầu, phường Thị Cầu, TP. Bắc Ninh. Ngay sau khi xảy ra sự việc khoảng 20 phút, mẹ cháu đã đến đón bé về.

Cũng theo vị Hiệu trưởng, lớp xảy ra vụ việc như clip ghi lại có tất cả 27 trẻ, nhưng hôm đó có 2 cháu nghỉ. Cô giáo gây ra sự việc là Vũ Minh A., đã làm việc tại trường hơn một năm.

Cũng theo bà Hòa, sự việc xảy ra vào thời điểm thay bỉm cho các em. “Cô giáo gọi cháu lên nhưng cháu không lên, tôi cũng không hiểu cảm xúc của cô giáo lúc đó thế nào mà lại hành xử như vậy. Khi nhà trường yêu cầu cô giáo làm bản tường trình thì cô có giải thích là chỉ đánh vào bỉm của cháu”, bà Hòa cho biết.

Trang Facebook của trường này đăng thông báo cho biết ngay khi sự việc xảy ra, nhà trường đã quyết định tạm đình chỉ giáo viên vi phạm và giáo viên cùng lớp để điều tra và giải quyết vụ việc; gặp gỡ gia đình phụ huynh và trẻ bị ảnh hưởng để xin lỗi và đề xuất hỗ trợ cần thiết. Đồng thời, trường này cũng cam kết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng và báo cáo minh bạch về sự việc…

Trước đó, liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ ở nhóm lớp mầm non Thu Sương (khu phố An Bình, Thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) xảy ra vào đầu tháng 4, Cục Bà mẹ Trẻ em – Bộ Y tế cũng đã có công văn ngày 18/4 gửi Sở Y tế tỉnh Bến Tre đề nghị xác minh, xử lý vụ việc.

Trong đoạn clip dài khoảng 30 giây được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh một phụ nữ dùng bạo lực để ép một trẻ ăn. Trong clip, trẻ không được mặc áo, khóc thét vì bị người phụ nữ kéo đầu ngửa ngược ra sau rồi đổ thức ăn vào.

Clip này khiến dư luận phẫn nộ. Ngay sau khi phát hiện sự việc, đoàn kiểm tra của nhà chức trách địa phương đã đến làm việc tại cơ sở này và ban hành quyết định tạm dừng hoạt động từ ngày 17/4 để chờ cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết. 54 trẻ đang được gửi ở cơ sở này đã được chuyển sang các điểm trường lân cận, theo báo VnExpress.

Qua tường trình, chủ cơ sở giải thích lý do xảy ra vụ việc là do các bé lười ăn nên bảo mẫu đã có hành vi nhồi nhét thức ăn cho khoảng 3 trẻ từ 1-2 tuổi. Sau khi xảy ra vụ việc, chủ cơ sở và bảo mẫu đã trên trực tiếp đến gia đình của 3 trẻ để nhận lỗi về hành vi của mình.

Đến sáng 18/4, Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Bến Tre phối hợp với các cơ quan có liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương nơi xảy ra vụ việc nêu trên xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm quyền trẻ em; đồng thời, xem xét việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức chậm trễ trong việc xử lý vụ việc (nếu có).

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tích cực truyền thông, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em; không để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

 Bảo Khánh (t/h)