Ca nhiễm COVID-19 tử vong thứ 7 tại Việt Nam
- Nguyễn Minh
- •
Sáng 4/8, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm ca mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tử vong, là bệnh nhân 426. Bệnh nhân tử vong sau hơn 1 tuần xác định nhiễm virus gây bệnh này.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân vừa tử vong là bệnh nhân 426 (nữ, 62 tuổi, quê ở Hòa Vang, Đà Nẵng), có tiền sử suy thận mạn tính 10 năm.
Bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 18-27/7. Ngày 27/7, bà được xác định dương tính với virus Vũ Hán (nCoV) cùng với 6 bệnh nhân khác đang điều trị tại các Khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận- Nội tiết) và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân sau đó được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, tới ngày 30/7, được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngày 31/7, bệnh nhân tiếp xúc kém, ăn uống kém, khó thở nhẹ.
Ngày 1/8, từ 3h sáng, bệnh nhân phải thở máy, tới 7h, bị mê man, huyết áp tụt và đến 17h, bệnh nhân bị suy đa tạng, choáng nhiễm trùng, nhiễm độc.
Ngày 2/8, bệnh nhân phải lọc thận liên tục, thở máy. Ngày 3/8, từ 1h05 sáng, bệnh nhân mạch chậm, đe dọa ngừng tuần hoàn, hô hấp; 8h bị hôn mê sâu, thở máy hoàn toàn qua nội khí quản; đến 10h24, bệnh nhân hôn mê, xuất huyết tiêu hóa; 18h30 thì mạch rời rạc, huyết áp tụt dần.
Vào lúc 1h20 ngày 4/8, bệnh nhân ngừng tim, hồi sức nhưng không hiệu quả; qua đời vào lúc 2h30.
Thông tin công bố cho biết bệnh nhân tử vong do suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và nhiễm COVID-19.
Ông Sơn cho biết khi mắc COVID-19, người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt… sẽ có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng. Cụ thể, virus nCoV sẽ làm suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển nhanh trong cơ thể, gây tổn thương các cơ quan nhanh hơn so với những bệnh nhân khác, theo ông Sơn.
Trong 6 ca tử vong trước đó gồm:
Bệnh nhân 428 (nam, 70 tuổi, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) tử vong vào rạng sáng ngày 31/7 sau 5 ngày được khẳng định dương tính nCoV, xác định do nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân có bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối; biến chứng: suy hô hấp do suy tim và COVID-19.
Bệnh nhân 437 (nam, 61 tuổi, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tử vong vào chiều 31/7, sau 4 ngày được xác định dương tính nCoV, chẩn đoán do sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn hô hấp, suy thận mạn, tăng huyết áp, gout, mắc COVID-19.
Bệnh nhân 499 (nữ, 68 tuổi, bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng), tử vong vào rạng sáng ngày 1/8, sau 3 ngày nhiễm COVID-19, xác định nguyên nhân do ung thư đường máu ác tính không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19.
Bệnh nhân 524 và bệnh nhân 475 đã qua đời vào rạng sáng 2/8, trong đó, bệnh nhân 524 (nữ, 86 tuổi, quê Quảng Nam), có bệnh nền suy tim, suy thận mạn tính, qua đời sau hơn 2 ngày xác định nhiễm COVID-19; bệnh nhân 475 (nữ, 83 tuổi, quê Đà Nẵng), tử vong sau 2 tuần nhiễm COVID-19, được nhận định tử vong do hội chứng mạch vành cấp, viêm túi mật, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp và COVID-19.
Bệnh nhân 429 (nữ, 53 tuổi, bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng) tử vong vào chiều 2/8, vì suy tim cấp trên nền bệnh lý nặng và mắc COVID-19. Bà được xác định nhiễm COVID-19 vào ngày 27/7.
Từ khóa bệnh nhân COVID-19 tử vong virus corona Việt Nam