Đà Nẵng đổi sang giấy đi đường có mã QR, doanh nghiệp và người dân tự in ra sao?
- Nguyễn Quân
- •
Từ 8h ngày 5/9, trừ “vùng đỏ” là nơi phong tỏa “cứng”, người dân Đà Nẵng ở khu vực “vùng vàng” và “vùng xanh” được ra khỏi nhà nhưng chỉ giới hạn trong các hoạt động được cho phép và phải có giấy đi đường có mã QR. Trong điều kiện nào người dân ra đường được xem là hợp lệ và lấy giấy mã QR như thế nào?
Chỉ shipper, người đi mua thuốc/tạp hóa, người đưa tang được lưu thông
Theo Quyết định số 2905/QĐ-UBND ngày 3/9 của Chủ tịch TP Đà Nẵng, người dân tại “vùng vàng” (bao gồm cả vùng/điểm xanh trong các khu dân cư tại các phường, xã “vùng vàng”) không được ra khỏi nhà, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà với các điều kiện: 1/có giấy đi đường mã QR kèm giấy tờ tùy thân, 2/thực hiện nghiêm quy định 5K, 3/đeo tấm che mặt trong suốt khi tham gia hoạt động giao tiếp trực tiếp, 4/đi theo nguyên tắc “1 cung đường – 2 điểm đi/đến và ngược lại” (tức đi mua/đi giao hàng xong ngay lập tức quay về, trên đúng đường vừa đi).
Người dân chỉ được phép đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố. Trường hợp cần thiết đi ra khỏi phạm vi thôn/tổ dân phố để mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc thì phải có Giấy đi đường do UBND phường, xã cấp (1 người/1 hộ gia đình với tần suất 5 ngày/lần). Các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc phải đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng ra/vào, giãn cách giữa những người mua, bán hàng.
Các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini); các điểm bán hàng tại khu dân cư, điểm bán hàng tại một số chợ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức: không được bán hàng trực tiếp cho người dân; chỉ được bán hàng thông qua các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động giao nhận, cung ứng hàng hóa.
Người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper): phải thường xuyên mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế, đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, tấm che mặt trong suốt, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi tham gia hoạt động; đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Hoạt động tang lễ và dịch vụ tang lễ: không để đám tang quá 48 tiếng, chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; không tổ chức các đoàn viếng. Chỉ được sử dụng phương tiện ô tô để đưa tang, trường hợp đoàn xe đưa tang ra khỏi thành phố phải có xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã).
Mỗi cơ sở chỉ từ 30-50% số người được làm việc trực tiếp
Các cửa hàng, doanh nghiệp cấp gas, cấp điện, cấp nước, xăng dầu; bưu chính; viễn thông; phát hành báo chí; cảng hàng không; nhà ga đường sắt; trạm quản lý đường bộ: chỉ được tối đa 30% số người làm việc.
Các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh: tối đa 30% số người làm việc.
Ngân hàng: tối đa 40% số người làm việc.
Cảng biển: tối đa 50% số người làm việc; trường hợp đảm bảo thực hiện điều kiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ), chỉ được tối đa 70% số người làm việc.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp, hoạt động của dịch vụ bổ trợ tư pháp: tối đa 30% số người làm việc nhưng không quá 5 người.
Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: chỉ tối đa 50% số người làm việc; trường hợp thực hiện “3 tại chỗ” thì sắp xếp tối đa 70% số người làm việc.
Ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: chỉ tối đa 30% số người làm việc; trường hợp đảm bảo “3 tại chỗ”, cho phép tối đa 50% số người làm việc.
Tác nghiệp báo chí: tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; tối đa 2 người/báo in, báo điện tử; 1 người/tạp chí.
Cơ quan, công sở nhà nước: tối đa 30% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp).
Hoạt động vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn.
Hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp: hoạt động dịch vụ của hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; thu hoạch nông, thủy sản; thủy lợi.
Cơ quan, doanh nghiệp, người dân đăng ký giấy đi đường có mã QR như thế nào?
Người đăng ký truy cập vào địa chỉ https://covidmaps.danang.gov.vn/ và https://bit.ly/vungdovangxanh để biết chính xác khu vực mình đang sinh sống có thuộc trường hợp được cấp giấy hay không. Hoặc địa phương sẽ cập nhật thông tin qua loa phường, khu dân cư, loa di động; phát tờ rơi đến từng hộ.
Sau nhiều lần quá tải, phải thay đổi mẫu và phương thức cấp, từ ngày 5/9 tới, TP Đà Nẵng áp dụng mẫu giấy đi đường có mã QR đăng ký trực tuyến tại địa chỉ https://giaydiduong.danang.gov.vn. Tổ chức, cá nhân đăng ký và nhận trực tuyến, nhưng giấy có giá trị sử dụng không quá 7 ngày.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động được cho phép (nêu trên) sẽ đăng ký thông tin qua trang web trên, sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt, cấp giấy đi đường có mã QR tại địa chỉ https://etiket.danang.gov.vn. Từ đây, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường trên và gửi cho người sử dụng.
Khi kiểm tra, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dùng điện thoại quét mã QR trên giấy để đối chiếu thông tin.
Khác với Hà Nội với các đầu mối cấp giấy là công an; UBND phường, xã; và thủ trưởng các cơ quan, hiện quyền cấp giấy đi đường có mã QR được Đà Nẵng phân ra các sở (theo lĩnh vực hoạt động), ban quản lý (khu công nghiệp), và khu vực quản lý (UBND các cấp).
UBND phường, xã cấp giấy đi đường (cả trực tiếp lẫn trực tuyến) cho chủ cửa hàng tạp hóa; các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh; các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trong vùng xanh); hoạt động dịch vụ của hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; thu hoạch nông, thủy sản, thủy lợi; dịch vụ tang lễ.
UBND các quận, huyện cấp giấy đi đường cho các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đóng trên địa bàn (trừ các doanh nghiệp do Sở Công thương phê duyệt, cấp). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp: Kiểm toán; đăng ký giao dịch bảo đảm; bảo hiểm; bảo vệ chuyên nghiệp. Các cơ sở cách ly y tế tập trung (trừ nhân viên y tế). Công trình nhà ở dân sinh; công trình động lực, trọng điểm, cấp bách thuộc thẩm quyền quận, huyện. Các chợ truyền thống trên địa bàn quận, huyện (trừ các chợ thuộc Sở Công thương quản lý). Dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp (ngoài khu công nghiệp).
Sở Công thương: cấp cho các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini). Các chợ trực thuộc Sở quản lý. Các doanh nghiệp gas (trừ cửa hàng kinh doanh gas), điện, xăng dầu. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông: cấp cho hoạt động bưu chính, thông tin, viễn thông (bao gồm xử lý sự cố, bảo trì, duy tu, sữa chữa hệ thống thông tin, viễn thông); phát hành báo chí, tác nghiệp báo chí; doanh nghiệp sản xuất phần mềm, phần cứng.
Sở Y tế: cấp cho các công ty, quầy thuốc/nhà thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch; cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh.
Sở Tư pháp: các hoạt động bổ trợ tư pháp: công chứng, luật sư, đấu giá; thừa phát lại; trọng tài thương mại; tư vấn pháp luật; quản lý, thanh lý tài sản, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Sở Giao thông vận tải: cấp cho đơn vị Cảng hàng không, cảng biển; nhà ga đường sắt; trạm quản lý đường bộ; cơ sở đăng kiểm. Doanh nghiệp dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu. Hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu, đường bộ. Hoạt động của những người vận chuyển giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper).
Sở Xây dựng: cấp cho doanh nghiệp cấp thoát nước, điện chiếu sáng (bao gồm xử lý sự cố, bảo trì, duy tu, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng); hoạt động chăm sóc cây xanh đô thị; các công trình động lực, trọng điểm, cấp bách của thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường: cấp cho hoạt động vệ sinh môi trường đô thị.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp: cấp cho các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng: cấp cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa mã QR giấy đi đường ở Hà Nội