Theo công bố của giới chức TP Hà Nội, tính đến ngày 2/4, trong 72 người ứng cử ĐBQH khóa 15 của thành phố Hà Nội, có 6 người làm đơn xin rút, 1 người bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra.

ung cu dbqh
Ông Bùi Văn Cường (đứng) là người vừa được bầu giữ chức Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong một cuộc họp báo ngày 8/4/2021, tại Hà Nội. (Ảnh: quochoi.vn)

Thông tin được đưa ra tại báo cáo về kết quả công tác bầu cử ĐBQH khóa 15, bầu cử đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội.

Theo số liệu được đưa ra, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội đã bàn giao 72 hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và 188 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026 cho Ủy ban MTTQ TP Hà Nội.

72 người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 của TP Hà Nội gồm 42 người được giới thiệu, 30 người tự ứng cử. Tính đến ngày 2/4, có 6 người có đơn xin rút, 1 người bị công an bắt tạm giam để điều tra.

188 người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 16 gồm 185 người được giới thiệu, 3 người tự ứng cử. Tính đến ngày 2/4, có 11 người có đơn xin rút.

Tổng số hồ sơ do các tỉnh gửi về là 17 hồ sơ/11 tỉnh, trong đó có 8 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, 9 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP.

Dự kiến, danh sách những người được đưa lên để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 16 sẽ do Ủy ban MTTQ Việt Nam chốt từ ngày 14 – 16/4.

Bản tin của truyền thông nhà nước không nêu cụ thể về trường hợp ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội bị bắt, cũng như lý do xin rút của các ứng viên.

Cổng thông tin Công an thành phố Hà Nội ngày 27/3 đăng thông báo bắt tạm giam bị can, khám xét đối với ông Lê Trọng Hùng (SN 1979, ngụ tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” – Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Hùng hôm 18/3 đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân các hình ảnh và tài liệu cho thấy ông đã nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 tại Ủy ban bầu cử TP Hà Nội. Ông Hùng đưa ra chương trình hành động là dự án tặng các bản Hiến pháp Việt Nam, vận động thành lập tòa bảo hiến và vận động Quốc hội ra luật biểu tình, luật giám sát của công dân…

Về một trường hợp bị loại hồ sơ ứng cử, GS.TS Nguyễn Đình Cống (một chuyên gia trong ngành xây dựng) ngày 10/4 thông báo trên trang Facebook cá nhân cho biết trong cuộc họp hôm 8/4, “tất cả các ý kiến phát biểu hình như được chuẩn bị chu đáo, đều thống nhất” không đồng ý giới thiệu vì lý do ông Cống đã quá già, sợ không đủ sức khỏe để hoạt động trong 5 năm.

Ông Cống cho biết Hiến pháp và Luật bầu cử không hạn chế tuổi, cho rằng mình hiện 84 tuổi và đảm bảo về khả năng làm việc trí tuệ.

Dẫn ví dụ về ông Mahathir Mohamad 92 tuổi ứng cử và được bầu làm thủ tướng Malaysia, ông Cống cho hay những việc chống lụt chống bão thì không đảm đương nổi, nhưng gặp gỡ người dân để lấy thông tin, nghĩ các kế sách, đưa ra ý kiến thì ông có khả năng hơn nhiều người trẻ khác. “Những ý kiến của tôi, nếu chỉ viết báo thì có tác dụng rất ít so với ý kiến đó được phát biểu công khai, hợp pháp, đúng luật tại Quốc hội”, ông Cống chia sẻ.

Xuân Tường

Xem thêm:

ĐB Phạm Thị Minh Hiền: ‘Đừng để cử tri chờ từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác’