Virus Vũ Hán đã lan rộng ra 30/30 quận, huyện của Hà Nội. Các chuyên gia nhận định, dịch ở Hà Nội vẫn ở mức nguy cơ bùng phát cao. Hà Nội hiện 6 ổ dịch đang có diễn biến phức tạp, gồm: phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân), ngõ 24 Kim Đồng (Giáp Bát, Hoàng Mai), xã Tân Lập (Đan Phượng), chợ Ngọc Hà (Ba Đình), phường Văn Miếu (Đống Đa), phường Văn Chương (Đống Đa).

COVID 19 HA NOI
Tại Hà Nội, COVID-19 lan tất cả 30/30 quận, huyện; 6 ổ dịch phức tạp với hơn 650 ca nhiễm, nguy cơ bùng phát cao. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

6 ổ dịch đang có diễn biến phức tạp với hơn 650 ca nhiễm

Phường Thanh Xuân Trung, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất Hà Nội với 382 ca

2 ca bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm này được công bố sáng ngày 23/8. Họ là mẹ con, ở ngõ 330 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân.

Chỉ sau hơn 1 tuần kể từ thời điểm phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, đến sáng ngày 2/9, Sở Y tế Hà Nội đã công bố tổng số 382 ca COVID-19 trong khu vực này.

Các bệnh nhân tập trung chủ yếu tại 2 ngõ: 328 và 330 Nguyễn Trãi, là khu vực dân cư lâu năm, chung cư cũ ẩm thấp, môi trường không đảm bảo, diện tích chật hẹp, mật độ dân số đông, có nơi còn sử dụng nhà vệ sinh chung.

Từ chiều 23/8, chính quyền quận Thanh Xuân đã phong tỏa khu vực ngõ 328 và ngõ 330 Nguyễn Trãi với 690 gia đình và hơn 1.800 người.

Ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, các ca mắc COVID-19 trong thời gian qua chủ yếu bị lây nhiễm từ chính thành viên trong gia đình. Nếu trong gia đình đã có F0 thì hầu hết các thành viên còn lại đều sẽ nhiễm bệnh vì chủng virus lây lan nhanh và do đặc thù sinh hoạt, chung sống cùng một chỗ.

“Tỷ lệ lây nhiễm tại một gia đình có F0 lên tới 60%”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đến tối 1/9, toàn bộ người dân còn lưu trú tại 2 ngõ này đã được đưa đi cách ly giãn dân tập trung tại ký túc xá Đại học FPT.

Phường Văn Miếu 107 ca và phường Văn Chương 89 ca

Sáng 18/7, Sở Y tế Hà Nội công bố 4 ca bệnh đầu tiên trong ổ dịch phường Văn Chương (quận Đống Đa), cùng trú tại địa chỉ: 103/51 Linh Quang. Nhóm này đều là F1 liên quan đến ổ dịch chung cư Sunshine Palace (quận Hoàng Mai). Đến nay, chuỗi lây nhiễm tại ổ dịch này đã ghi nhận 89 ca nhiễm.

Tại phường Văn Miếu, 2 ca nhiễm đầu tiên được phát hiện từ ngày 30/7, ở tại ngách 56, Ngô Sỹ Liên, có liên quan Nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ. Qua hơn 1 tháng, số ca nhiễm tại Văn Miếu vẫn tiếp tục gia tăng rải rác, tới sáng ngày 2/9 đã lên đến 107 bệnh nhân.

Trước đó, ngày 21/8, quận Đống Đa đã quyết định cách ly y tế toàn bộ 2 phường Văn Chương và Văn Miếu, từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 4/9. 2 phường này có tổng diện tích 0,69km2, trên 21.000 người. Trong đó, phường Văn Chương có diện tích 0,33 km2, xấp xỉ 12.000 người; phường Văn Miếu có diện tích 0,36km2, xấp xỉ 9.000 người.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội đánh giá, ổ dịch tại 2 phường Văn Miếu và Văn Chương có sự tương đồng với phường Thanh Xuân Trung. Đây đều là những khu dân cư đông đúc, nhiều ngõ ngách, người dân có thói quen sinh hoạt cộng đồng.

Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng (quận Hoàng Mai) có 45 ca

Chùm ca bệnh này có nguồn lây từ TP.HCM với 3 trường hợp dương tính đầu tiên là lái xe hàng tuyến TP.HCM – Hà Nội, về đến Hà Nội ngày 23/8 (xe luồng xanh). Họ đều trú tại ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), sau khi về Hà Nội đã tiếp xúc với một số người.

Sau đó, do 1 lái xe xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, cả 3 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nông nghiệp và được xét nghiệm COVID-19, kết quả dương tính. Đến nay, riêng khu vực ngõ 24 Kim Đồng đã ghi nhận 45 ca COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát cho biết, ban đầu địa phương chỉ phong tỏa tạm thời từ đầu ngõ 286 đường Giáp Bát đến cuối ngõ 897 Giải Phóng và các ngách thuộc khu dân cư số 9, gồm 210 hộ với 789 nhân khẩu. Tuy nhiên, do xuất hiện thêm nhiều F0, nên vùng cách ly y tế mở rộng gồm 492 gia đình với 1.903 người, trong vòng 14 ngày, từ 12h ngày 25/8 đến 12h ngày 8/9.

Ổ dịch xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) có 16 ca

Ca bệnh đầu tiên được phát hiện trong chuỗi lây nhiễm tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng là ông N.V.T, sinh năm 1946, ở Đội 10, Tân Lập, công bố dương tính trưa 28/8.

Do tuổi cao, ông T. thường chỉ ở nhà, có nhiều đợt biểu hiện ốm mệt, được người thân mua thuốc cho uống. Ngày 18/8, bệnh nhân biểu hiện sốt, ho, đau họng, gia đình tiếp tục mua thuốc cho uống nhưng không đỡ. Đến 27/8, bệnh nhân vẫn mệt, được đưa đi khám tại Bệnh viện Đan Phượng, xét nghiệm RT-PCR dương tính COVID-19.

Đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã công bố 16 trường hợp COVID-19 thuộc ổ dịch Tân Lập.

Huyện Đan Phượng đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ ngõ 45 (ngõ Cây Si), đường Đan Hội, cụm 9, xã Tân Lập (bao gồm 39 hộ dân, 110 người, diện tích 11.000m2); toàn bộ ngõ 128 (xóm Chùa) đường 422, cụm 11, xã Tân Lập (bao gồm 44 gia đình, 172 nhân khẩu, diện tích 9.500m2).

Ổ dịch chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) ghi nhận 16 ca

Ca bệnh chỉ điểm là người phụ nữ 53 tuổi, trú tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, bán hàng tại chợ Ngọc Hà. Ngày 26/8, bà sốt, mệt mỏi, đến ngày 27/8 được test nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu PCR gửi CDC Hà Nội, kết quả khẳng định dương tính.

Hà Nội tới nay đã công bố 16 ca COVID-19 liên quan ổ dịch chợ Ngọc Hà.

Ngoài 6 ổ dịch trên, CDC Hà Nội cũng lưu ý chùm ca bệnh liên quan cửa hàng tự chọn 218 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiềm ẩn nguy cơ cao.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.358 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.552 ca, số mắc là đã được cách ly 1.806 ca.

Hà Nội có thể kéo dài giãn cách

Ông Khổng Minh Tuấn nhận định: “Với tình tình dịch bệnh như hiện nay, rất có thể Hà Nội sẽ phải tiếp tục giãn cách chứ không thể dừng được. Cụ thể việc giãn cách thế nào, thành phố sẽ có phương án cụ thể”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, cho rằng việc nới lỏng hay tiếp tục thực hiện giãn cách và tiếp tục giãn cách ra sao tại Hà Nội, là không chỉ căn cứ vào số ca bệnh mà phải đánh giá nguy cơ bên trong, bên ngoài (các địa phương khác) và chắc chắn là kiểm soát được dịch khi dừng giãn cách. Trong điều kiện đảm bảo được việc dừng giãn cách, thành phố cần tiến hành nới lỏng từ từ, nới lỏng theo khu vực.

“Nếu Hà Nội nới lỏng giãn cách thì đối với những vùng nguy cơ cao vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách, thậm chí phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn như phong tỏa. Thành phố nên thực hiện nới lỏng theo từng hoạt động dựa trên đánh giá nguy cơ, thay vì áp dụng cho toàn thành phố”, ông Phu nói trên báo Lao Động.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đợt bùng phát dịch lần này phức tạp hơn rất nhiều các đợt bùng phát dịch trước đây do sự xuất hiện của chủng mới, tiếp tục biến đổi lây nhiễm mạnh, gây khó khăn cho phòng dịch. Nguy cơ phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng còn lớn. Những ca bệnh, chùm ca bệnh mới phát sinh những ngày gần đây cho thấy còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội…

Ông Dũng yêu cầu bằng mọi giải pháp giảm số người ra đường, bảo đảm yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội…

Hoàng Minh

Xem thêm:

Hà Nội: Ổ dịch COVID-19 Thanh Xuân Trung vượt 300 ca, có gia đình 4-5 người nhiễm