Hiện hơn 3.100 tỷ đồng tiền “nhàn rỗi” của Quỹ vắc-xin COVID-19 vẫn đang được gửi tại các ngân hàng thương mại, chưa rõ phương hướng sử dụng.

vac xin covid
Mục đích ban đầu của Quỹ vắc-xin COVID-19 là để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp góp tiền mua và sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, tuy nhiên số tiền dôi dư sau khi đại dịch kết thúc đến nay vẫn chưa được xử lý. (Ảnh minh họa: Hiền Minh/baochinhphu.vn)

Kho bạc Nhà nước cho biết tổng số dư Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19 tính đến cuối tháng 6/2024 còn 3.136,51 tỷ đồng, theo truyền thông ngày 22/7.

Khoản tiền trên đang được gửi tại các ngân hàng thương mại. Hiện các đơn vị liên quan đang nghiên cứu phương án để báo cáo cấp có thẩm quyền chấm dứt hoạt động và giải thể Quỹ, thông báo cho hay.

Tính đến hết ngày 30/6 vừa qua, có 694.092 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào Quỹ. Tổng số huy động là 10.808,71 tỷ đồng (trong đó tiền lãi gửi ngân hàng 176,1 tỷ đồng).

7.672,2 tỷ đồng đã được chi từ quỹ, trong đó chi mua và sử dụng vắc-xin 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin 4,6 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024, Quỹ vắc-xin có 2 đợt gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, số dư tiền gửi có kỳ hạn của Quỹ tính đến 30/6 là 3.159 tỷ đồng.

Hồi tháng 10/2023, Bộ Y tế đã điều chỉnh bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh (như bệnh bại liệt, cúm A-H5N1, đậu mùa, dịch hạch…).

Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong (như bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu…)

Đại dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam từ cuối tháng 1/2020 và kéo dài đến tháng 4/2024. Theo công bố của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tổng cộng 11.625.195 ca mắc, 43.206 tử vong.

Tháng 1/2024, tại buổi họp báo tổng kết công tác trọng tâm năm 2023 của hệ thống Kho bạc Nhà nước, bà Trần Thị Huệ – Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho hay số dư của Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 tương đối ổn định, nếu không sử dụng thì rất lãng phí.

“Cho nên Kho bạc Nhà nước trình và Chính phủ ban hành Nghị định 24 để được sử dụng dòng tiền trong thời gian tạm thời nhàn rỗi. Ưu tiên số 1 khi sử dụng nguồn tiền đó là cho ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương vay, tạm ứng…, còn nếu ngân sách trung ương ngân sách địa phương hết nhu cầu, Kho bạc Nhà nước sẽ gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại” – bà Huệ nói.

Cuối tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển số kinh phí còn lại của Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19 để thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột trên toàn quốc, song đến nay chưa có thông báo mới.

Ngày 16/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nguyễn Quân