Khởi tố vụ án gây thất thoát hơn 1.500 tỷ đồng tại Công ty Gang thép Hà Tĩnh
- Hoàng Minh
- •
Dự án Nhà máy Liên hợp Gang thép (thị xã Kỳ Anh) do Công ty Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với mức đầu tư 2.115 tỷ đồng (sau điều chỉnh) hiện chỉ còn là đống sắt vụn, cây cỏ mọc um tùm. Dự án gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và 164.889,85 USD.
Sáng 24/4, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định số 2 khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan.
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, ngày 15/5/2007, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh), Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty Cổ phần Mangan (thuộc Mitraco Hà Tĩnh) đã thống nhất góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh. Các cổ đông góp vốn gồm: Công ty TNHH Vạn Lợi góp 85% vốn điều lệ, Mitraco Hà Tĩnh góp 12% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Mangan góp 3% vốn điều lệ.
Ngày 6/6/2007, Sở KH&ĐT Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh, với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động của công ty này gồm: Khai thác quặng sắt, sản xuất gang, phôi thép và các sản phẩm, chế biến xỉ và fero mangan, bán buôn kim loại và quặng kim loại, bán buôn xe ô tô và xe có động cơ khác, sản xuất than cốc, sản phẩm chịu lửa, vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy, kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu.
Ngày 15/6/2007, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh được Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư số 28221000002, tên dự án Nhà máy Liên hợp Gang thép công suất 250.000 tấn/năm, địa điểm Khu công nghiệp Vũng Áng I (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh). Dự án khởi công vào tháng 6/2007.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm như: Năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện. Bên cạnh đó, do sự biến động của thị trường nên dự án dang dở, gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và 164.889,85 USD.
Ngày 29/7/2015, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 366 về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Liên hợp Gang thép công suất 250.000 tấn/năm do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, lý do: Nhà đầu tư vi phạm các quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư, cam kết thực hiện dự án tại hồ sơ cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và các quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, các giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư.
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.
Theo Đại tá Đặng Hoài Sơn – Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng. |
Toàn bộ thiết kế Nhà máy Liên hợp Gang thép do Trung Quốc đảm nhận
Dự án đầu tư Nhà máy Liên hợp Gang thép do công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ ngày 16/6/2007 tại khu đất vàng rộng hơn 25 ha thuộc khu kinh tế Vũng Áng.
Toàn bộ phần thiết kế nhà máy do Tổng Viện thiết kế Mã Gang Trung Quốc đảm nhận. Phần thi công cũng thuộc về một nhà thầu Trung Quốc là Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Kim Môn, Thượng Hải thuộc Tập đoàn Kinh tế Ngoại thương và Hợp tác Công nghệ Thượng Hải (Trung Quốc). Công ty cổ phần đầu tư xây lắp dầu khí IMICO làm thầu phụ.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.115 tỷ đồng (sau điều chỉnh). Đây là một trong những dự án nghìn tỷ đầu tiên tại Hà Tĩnh.
Giai đoạn I của dự án dự kiến khi hoàn thành sẽ có công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn thép/năm, giai đoạn 2 nâng lên 500.000 tấn/năm.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, thời gian đầu, công ty đã tiến hành xây lắp công trình ở mức khá nhanh. Tuy nhiên, từ tháng 5/2009, công ty thi công cầm chừng và tới cuối năm 2010 thì dừng hẳn. Tính đến 7/2014, tiến độ dự án chậm gần 4 năm so với tiến độ.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh, trước khi dừng thi công, giá trị khối lượng thực hiện đã đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng khoảng 60% giá trị khối lượng công việc của dự án; vốn giải ngân trên 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 298,5 tỷ đồng và vốn vay các ngân hàng hơn 707 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị nhưng dự án xây dựng dở dang nằm đắp chiếu phơi sương, bỏ hoang cho đến nay.
Được biết, dự án này được triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư chỉ là 15%. Ba ngân hàng hùn vốn gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Sau khi Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh thu hồi giấy đầu tư dự án, tháng 7/2018, TAND thị xã Kỳ Anh cho biết Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh nợ VDB gần 1.300 tỷ đồng; nợ Vietcombank hơn 150 tỷ đồng; nợ BIDV hơn 115 tỷ đồng. Tổng nợ là hơn 1.500 tỷ đồng.
Do không có tiền trả, nên cơ quan chức năng thị xã Kỳ Anh đã tiến hành cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình tại Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi. Tổng toàn bộ số tài sản trên được định giá chỉ còn hơn 108 tỷ đồng (bằng 0,072% so với tổng số nợ hơn 1.500 tỷ đồng mà chủ đầu tư nợ 3 ngân hàng).
Do đó, 3 ngân hàng trên chỉ thu lại được một phần rất nhỏ trong tổng số vốn đã cho chủ đầu tư dự án vay. Hàng nghìn tỷ còn lại không thu hồi được, đã “theo gió mà bay”, dự án còn lại chỉ là đống phế liệu.
Từ khóa Nhà máy Liên hợp Gang thép Công ty Gang thép Hà Tĩnh