Không miễn phí vé qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 3 ngày Tết
- Hoàng Minh
- •
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí vé khi qua trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền ra để bù vào.
Trước đó, công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có văn bản gửi bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất việc miễn phí vé qua trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019 là 30 tháng Chạp, mùng 1 và mùng 2 Tết.
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho rằng việc đưa ra đề xuất này nhằm giúp giảm tắc nghẽn tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong ngày lễ Tết, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của trạm thu phí được nghỉ đón Tết cùng gia đình.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết theo quy định của pháp luật, phương án tài chính của dự án đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền duyệt nên việc miễn, giảm phí sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí tại trạm thu phí BOT, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền ra để bù vào. Đề xuất của nhà đầu tư chỉ được chấp nhận khi nhà đầu tư bỏ tiền lợi nhuận của chính doanh nghiệp ra để bù vào những ngày miễn phí cho các chủ phương tiện qua trạm, bù đắp phương án tài chính của dự án.
Về việc giảm ùn tắc giao thông trong những ngày Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2019, ông Huyện cho hay Tổng cục đã yêu cầu các nhà đầu tư, đơn vị khai thác các tuyến đường thực hiện xả trạm khi có ùn tắc trong các dịp cao điểm, lễ Tết.
Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu phí phải mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trước khi vào trạm thu phí.
Nếu chủ đầu tư trạm BOT không thực hiện sẽ bị phạt hành chính tiền từ 50-70 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ có chiều dài 29 km, khởi công vào 20/7/2014, bắt đầu triển khai thu phí từ ngày 6/10/2015, được thực hiện dưới hình thức BOT và chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới; tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m.
Giai đoạn 2: Xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới; bề rộng nền đường 33,5m. Xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp IV đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 (bề rộng nền đường 6,50m).
Tổng mức đầu tư của dự án là 6.731,78 tỷ đồng, 100% là vốn tư nhân. Nhà đầu tư được lập trạm thu phí để tự hoàn vốn cho dự án với mức phí ban đầu từ 45.000 đồng đến 175.000 đồng. Lộ trình tăng phí 18%/ 3 năm. Thời gian thu phí dự kiến kéo dài trong 17 năm, 2 tháng, 18 ngày.
Bộ ba nhà đầu tư dự án được chỉ định là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (Minh Phát), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành). Ba nhà đầu tư này sau đó thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC).
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa Tổng Cục đường bộ Việt Nam trạm thu phí BOT BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ