Làm thẻ căn cước công dân: Phải xuất gia nếu muốn ghi tôn giáo là Phật giáo
- Nguyễn Sơn
- •
Trước việc một số tín đồ Phật giáo bị công an ép khai không có tôn giáo khi làm thẻ căn cước công dân gắn chip, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mới đây đưa ra hướng giải quyết là sẽ cấp giấy chứng nhận tôn giáo cho các tín đồ trên diện rộng, dù phía công an hiện yêu cầu phải có chứng nhận xuất gia mới được thừa nhận.
Ngày 16/3, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn về việc đăng ký mục “Tôn giáo” trong tờ khai Căn cước công dân đối với Phật tử.
Văn bản cho biết Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có nhận được phản ánh, kiến nghị của một số Ban Trị sự về việc một số Phật tử khi đi làm căn cước công dân, đăng ký mục tôn giáo là Phật giáo nhưng không được cơ quan cấp thẻ chấp nhận.
Theo đó, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các Phật tử khi đi làm căn cước công dân cần mang theo giấy chứng nhận Phật tử, giấy chứng nhận Quy y Tam bảo.
Cũng nhân dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Ban Hướng dẫn Phật tử các địa phương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cấp giấy chứng nhận Phật tử, giấy chứng nhận Quy y Tam bảo… trên diện rộng, “cho người dân có niềm tin, tín ngưỡng và yêu mến đạo Phật”.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề cập là giấy chứng nhận Phật tử, giấy chứng nhận quy y, trong khi công an yêu cầu phải có giấy chứng nhận xuất gia.
Trang Giác Ngộ ngày 22/1 đăng một bài viết dài của ông Chu Minh Khôi (nhà báo), tường thuật về chuyện ông bị mất thẻ căn cước, khi đi làm lại tại trụ sở Công an thành phố Hà Nội (số 6 Quang Trung, quận Hà Đông) thì bị bác bỏ khi ghi mục Tôn giáo là “Phật giáo”.
Người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu ông Khôi phải trình giấy chứng nhận xuất gia do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp, nếu không phải ghi mục Tôn giáo là “Không”.
Ông Khôi giải thích rằng tín đồ Phật giáo bao gồm các tăng, ni – tức là tu sĩ ở chùa, và những người Phật tử tu tại gia – tức người không ở chùa, nhưng không được chấp nhận. Giấy chứng nhận quy y – tu tại gia của ông Khôi cũng bị cho là không có giá trị. “Chỉ người xuất gia mới được khai tôn giáo Phật giáo!” – một công an mang hàm thiếu tá, theo lời ông Khôi, có thể là lãnh đạo của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho hay.
Thẻ căn cước của ông Khôi cuối cùng được làm với thông tin “Tôn giáo: Không”, do người phụ trách tự sửa mục Tôn giáo từ “Phật giáo” thành “Không”.
“Trong cuộc tổng kê khai vào năm 2020, tôi cũng được yêu cầu phải đổi chữ “Phật giáo” thành chữ “Không” trong mục kê khai tôn giáo. Cũng với lý do mà cán bộ công an [công an huyện Hoài Đức] đưa ra rằng, người có tôn giáo Phật giáo thì phải ở chùa, dân ở chung cư thì không nên ghi tôn giáo là Phật giáo… Chắc hẳn sẽ không ít người đã và sẽ nghe theo lời của cán bộ kê khai, để tự xóa chữ “Phật Giáo””, ông Khôi viết trong bài đăng trên trang Giác Ngộ.
Nhiều ý kiến đồng tình với tình huống mà ông Khôi gặp phải. Tài khoản Vũ Thành Vương cho biết nhiều năm nay đi làm chứng minh nhân dân hay căn cước công dân đều không thể khai mục tôn giáo là Phật giáo (trong khi người làm liền trước được ghi tôn giáo của mình).
Tài khoản Thanh Vân nhận định: “Các cán bộ công an này chưa hiểu nhiều về tôn giáo hoặc do quy định, hướng dẫn việc kê khai chưa hợp lý” và cho rằng “để xác nhận là tín đồ đạo Phật thì chỉ cần có giấy quy y Tam bảo là đủ”.
Không chỉ trường hợp ông Chu Minh Khôi tại Hà Nội, hòa thượng Thích Nguyên Phước, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định hồi đầu tháng 2 cho hay có tình trạng tương tự tại Bình Định.
“Thông tin chúng tôi nhận được, có trường hợp tại Bình Định cơ quan chức năng địa phương không theo chỉ thị từ ngành công an khi ép một số tín đồ khai không có tôn giáo, để không bị ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Điều này làm cho quần chúng Phật tử dù đi chùa và quy y nhưng hình thành nên tâm lý ngại khai Phật giáo trong mục tôn giáo lúc đăng ký…”, vị sư cho biết, theo trang Giác Ngộ ngày 3/2.
Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người” 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. 2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. 3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. 4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. 5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. 6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này. |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa chứng nhận xuất gia Tự do tôn giáo thẻ căn cước công dân