Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại
- Minh Sơn
- •
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con chó nghi mắc bệnh dại, trong đó có 4 con chó đã cắn người.
Ngày 21/11, ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn ký quyết định công bố dịch bệnh dại động vật (chó) trên địa bàn huyện.
Theo quyết định, thời gian xảy ra dịch bệnh từ ngày 9/11. Vùng có dịch là thị trấn Trung Phước và xã Phước Ninh; vùng bị dịch uy hiếp gồm các xã Quế Lộc, Sơn Viên, Ninh Phước và Quế Lâm.
Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho hay từ ngày 11-18/11, huyện này phát hiện 5 con chó bị bệnh, nghi mắc bệnh dại. Trong đó, 4 con chó đã cắn người.
Chính quyền địa phương thuyết phục người bị chó cắn đến Trung tâm Y tế huyện để tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại. Đồng thời, ngành chức năng lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng IV xét nghiệm; kết quả xác định trong 4 mẫu có 3 mẫu dương tính với vi-rút dại.
Theo quyết định được ký, chính quyền tại vùng dịch phải tiêu hủy ngay chó, mèo chết do bệnh dại, nghi mắc bệnh dại; trong thời gian có dịch, tuyệt đối không giết mổ, tạm dừng các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh dại ra, vào vùng dịch.
Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nuôi nhốt theo dõi trong vòng 21 ngày, triển khai tiêm 100% cho đàn chó, mèo; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó, mèo thả rông, chưa được tiêm vắc xin dại.
Những trường hợp không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi, không xích giữ chó bị xử phạt vi phạm hành chính. Các lực lượng chức năng phải tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại khối phố/thôn có dịch; các tổ dân phố/thôn giáp ranh.
Đối với vùng bị dịch uy hiếp, UBND các xã được giao rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo trong để triển khai tiêm phòng, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng từ 80% trở lên.
Bản tin trên báo Quảng Nam ngày 24/10 dẫn số liệu từ Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết kể từ đầu năm, Quảng Nam xảy ra 10 ổ dịch bệnh dại. Chỉ riêng tháng 9 đã xảy ra 8 ổ dịch. Toàn tỉnh có 5.083 người bị động vật nghi dại (chủ yếu là chó, mèo) cắn, cào, đã đến các cơ sở y tế trong tỉnh để điều trị dự phòng, con số này tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng 667 trường hợp chó, mèo đã có biểu hiện bệnh, lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.
Một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn là cháu Nguyễn Hữu Th. (SN 2017, phường Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn).
Theo Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, chiều 14/9, cháu Th. bị chó dại vào trường cắn vào tay. T. được cô giáo rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối, báo cho mẹ Th. đưa cháu đi tiêm chủng để phòng bệnh. Tuy nhiên, người nhà đưa cháu đi thầy lang tại Đà Nẵng để “cào dại”. Thầy lang nói cháu Th. không bị bệnh dại.
Ngày 10/10, cháu có các triệu chứng sốt, sốt kèm theo buồn nôn, nôn sau ăn nhiều lần, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam lúc 23h05 phút cùng ngày. Tại bệnh viện, bệnh nhân sốt, nôn, kèm theo sưng nề lưỡi, rối loạn hành vi trẻ cắn lưỡi bên trái.
Bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Sản – nhi Đà Nẵng lúc 9h30 ngày 11/10, với các triệu chứng sốt cao, mệt, sợ ánh sáng và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Bệnh nhân Th. được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 vào ngày 11/10, kết quả âm tính ngày 16/10. Ngày 22/10, tiếp tục lấy mẫu lần 2, cho kết quả nghi ngờ. Đến sáng 26/10, bệnh nhân được lấy mẫu lần 3 cho kết quả dương tính.
Trưa 26/10, bệnh nhân được đưa về nhà và tử vong tại nhà.
Trước khi cắn cháu Th., con chó nghi mắc bệnh dại đã cắn anh Lê Tự T. (SN 1997), sống gần trường tiểu học. Anh T. đã tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng dại ngay sau đó. Con chó nghi bị dại sau khi cắn nhiều người là chó hoang, chạy rông ngoài đường, hiện chưa rõ tung tích.
Theo bác sĩ Huỳnh Công Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, cần phải rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm lượng vi-rút dại tại vết cắn. Không chà xát, nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. |
Minh Sơn
Từ khóa Bệnh dại