Người thân ở Trung Quốc xác nhận thêm thông tin vụ người tập Pháp Luân Công VN bị bắt
- Bảo Minh
- •
Tiếp tục thông tin về vụ việc học viên Pháp Luân Công Việt Nam Phạm Thị Thu Trang bị Trung Quốc bắt vào tháng 12/2017, Trí Thức VN đã liên lạc với cô Minh, người cô họ của chị Trang hiện đang sinh sống tại thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
- Trung Quốc bắt giữ học viên Pháp Luân Công người Việt
- Vụ người tập Pháp Luân Công VN bị bắt giữ tại TQ: Người được ủy quyền pháp lý nói gì?
Tóm tắt vụ việc như đã đưa tin, chị Phạm Thị Thu Trang (sinh năm 1987, ngụ ở Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã đi sang Trung Quốc tới nhà người thân vào tháng 10/2017. Chị Trang đã bị công an tỉnh Quảng Tây bắt giữ vào tháng 12/2017 với lý do liên quan đến môn tu luyện Pháp Luân Công. Từ đó đến nay, chị Trang vẫn chưa được thả.
TTVN đã liên hệ với người thân của chị Trang đang sinh sống tại Trung Quốc để cập nhật thêm thông tin về vụ việc.
“Trang bị bắt giữ do gửi vali có chứa tài liệu Pháp Luân Công sang Trung Quốc”
Theo lời cô Minh, chị Trang từng đề cập đến việc có một chiếc vali được gửi từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang để đưa cho bạn bên này. Trong quá trình vận chuyển, công an Trung Quốc đã phát hiện trong vali có chứa tài liệu liên quan đến môn tu luyện Pháp Luân Công, do đó đã lần ra và tiến hành bắt giữ Trang.
Công an tỉnh Quảng Đông đã tiến hành khám xét căn hộ của cô Minh, và phát hiện thêm trong phòng của chị Trang có một số sách về Pháp Luân Công. Công an nói với cô Minh rằng bộ môn này bị cấm ở Trung Quốc, và Trang học cái này sẽ “tự thiêu.”
Cô Minh cho biết từng nghe đến bộ môn này khoảng 20 năm về trước, nhưng lâu lắm rồi không còn nghe nói đến nữa, bản thân cô cũng không biết Pháp Luân Công là gì.
Sau đó, công an còn quay lại khám xét nhà cô Minh thêm một lần nữa với mục đích tìm thông tin trong điện thoại cầm tay của chị Trang, nhưng không tìm thấy. Vào một lần dọn nhà, cô Minh tìm thấy điện thoại của chị Trang dưới tấm đệm và đã giao cho công an.
“Công an không hài lòng vì Trang luôn nói Pháp Luân Công là tốt”
Cô Minh cho biết, từ lúc chị Trang bị bắt đến nay, cô chỉ được gặp Trang 2 lần tại đồn công an Mậu Danh tỉnh Quảng Đông trước khi bị chuyển đến tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên, trong 2 lần gặp, cô Minh và chị Trang không trao đổi nhiều do có người giám sát, cô chỉ có thể đưa được một ít quần áo đồ đạc cho chị Trang. Hai cô cháu chỉ biết ngồi nhìn nhau khóc.
“Tôi đã lên công an tỉnh Quảng Đông để yêu cầu thả cháu mình, nhưng được cho biết vì Trang không chịu khai ra thêm thông tin gì, nên vẫn cần giữ để điều tra. Công an nói việc Trang không chịu khai khiến tội của Trang bị nặng thêm.”
“Công an cũng nói rằng ở trong nhà giam, Trang luôn nói Pháp Luân Công là tốt, là dạy con người ta sống có đạo đức, làm cho công an không được hài lòng,” cô Minh cho biết.
Theo thông tin từ người thân của chị Trang, đây là vụ án do công an tỉnh Quảng Tây phụ trách, công an tỉnh Quảng Đông hỗ trợ điều tra. Từ khi chị Trang bị đưa đi Quảng Tây, cô Minh không còn gặp lại chị Trang nữa, và cũng không có điều kiện để đi thăm.
Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, cô Minh khẩn khoản nhờ phía Việt Nam giúp đỡ để có thể giải cứu chị Trang vì cô đã lớn tuổi, lại không có hiểu biết về pháp luật, không có điều kiện, nên không biết làm thế nào để giúp Trang. Mẹ của chị Trang ở bên Việt Nam rất lo lắng cho con gái và đang phải nuôi con nhỏ của chị, hoàn cảnh rất khó khăn.
Trung Quốc che giấu thông tin bức hại Pháp Luân Công với người dân
Việc chính quyền Trung Quốc che giấu thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công với người dân bằng cách kiểm soát tự do thông tin, báo chí, Internet và bằng các cuộc bắt bớ, xét xử kín đã khiến phần đông người Trung Quốc tin tưởng vào sự “thái bình” ở bề mặt mà không hề biết đến những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra đằng sau lưng mình.
Họ chỉ nhận ra việc này khi người thân của họ đột nhiên bị bắt giữ, nhiều người thậm chí biến mất không tung tích.
Đã có nhiều người thân của các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc, như cô Minh của chị Trang, cảm thấy bàng hoàng khi cháu mình vốn rất “hiền lành và ngoan” đột nhiên bị bắt giam với “tội” tu luyện Pháp Luân Công. Hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị đưa đến nhà tù, trại cải tạo, trung tâm tẩy não, bị tra tấn và bị khép vào những tội danh không có thực vì không chịu từ bỏ đức tin. Nhiều người trở thành nạn nhân của việc mổ cắp nội tạng sống.
Để lừa dối người dân, năm 2001, chính quyền Trung Quốc đã dàn dựng vụ tự thiêu giả mạo tại quảng trường Thiên An Môn và vu cho học viên Pháp Luân Công thực hiện, sau đó tung tin rằng ai tập Pháp Luân Công đều có nguy cơ sẽ tự thiêu, khiến người dân sợ hãi. Vụ tự thiêu này đã bị nhiều tổ chức điều tra quốc tế chỉ ra là được dàn dựng.
Tuy vậy, cho đến nay, công an Trung Quốc vẫn hay đưa vụ “tự thiêu” giả mạo ra để làm lý do hợp pháp cho việc bắt bớ và giam giữ. Trong môi trường truyền thông một chiều và thông tin bị bưng bít hoàn toàn, người dân Trung Quốc đa phần không thể tiếp xúc được với những thông tin đúng đắn từ bên ngoài. Mọi thông tin không giống với chủ trương của ĐCSTQ liền bị quy chụp là thông tin giả nhằm chống phá nhà nước.
Trí Thức VN sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin về vụ việc.
- Pháp Luân Công: Ít nhất 29 người đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết năm 2017
- Trung Quốc cơ cấu lại bộ máy: Báo hiệu ngày tàn của Phòng 610 chuyên bức hại Pháp Luân Công
Theo thống kê chưa hoàn chỉnh trên trang Minh Huệ Net và Tổ chức Thế giới Điều tra về bức hại Pháp Luân Công (WOIG), cho đến ngày 17/2/2017, khoảng 4.075 người tập Pháp Luân Công đã bị chính quyền Trung Quốc bức hại đến chết bằng nhiều hình thức tra tấn tàn khốc. Ngoài ra, còn có hàng triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bắt, bị cưỡng bức lao động phi pháp, và đáng sợ hơn là bị mổ cướp nội tạng. Trang Minh Huệ cũng nhận định, vì tình hình bức hại bị che giấu nên con số người bị hại thực tế còn cao hơn nhiều. Ngày 19/5/2016, Tổ chức Thế giới Điều tra về bức hại Pháp Luân Công đã công bố một báo cáo dài hơn 210.000 chữ chứng minh có kho nội tạng sống khổng lồ ở Trung Quốc mà nguồn gốc chủ yếu là từ học viên Pháp Luân Công. Đây được cho là kết quả điều tra trong 10 năm thu thập chứng cứ, theo dõi 865 bệnh viện có hoạt động cấy ghép và hơn 9.500 bác sĩ làm nghề này, kiểm tra thông tin từ các báo cáo luận văn, kho số liệu trên các trang mạng của bệnh viện và gọi hơn 2.000 cuộc điện thoại ghi âm làm chứng. |
Từ khóa Bức hại Pháp Luân Công mổ cắp nội tạng Vụ tự thiêu Thiên An Môn Học viên Pháp Luân Công Việt Nam bị bắt tại Trung Quốc