Nhà máy đốt rác gần 800 tỷ đồng bỏ hoang: ‘Từng kỳ vọng bao nhiêu thì nay thất vọng bấy nhiêu’
- Hoàng Minh
- •
Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội) khởi công xây dựng từ tháng 12/2011 với tổng mức đầu tư trên 768 tỷ đồng, dự kiến hoạt động năm 2017, song tới nay dự án đang bỏ không.
Theo quyết định điều chỉnh đầu tư số 5083 ngày 19/3/2016 của UBND TP. Hà Nội, dự án chiếm 8,4 ha. Khu xử lý rác thải sẽ áp dụng công nghệ đốt Plasma. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội), được miễn tiền thuê đất trong 50 năm.
Dự án nếu đi vào hoạt động, khu xử lý rác thải huyện Đông Anh có thể xử lý chất thải 500 tấn/ngày. Ngoài việc xử lý rác thải công nghiệp và rác thải y tế, nhà máy đốt rác này được kỳ vọng có thể giảm tải cho bãi rác Nam Sơn khi xử lý được toàn bộ rác thải sinh hoạt tại huyện Đông Anh và một số vùng lân cận.
Thế nhưng, dự án khởi công xây dựng từ tháng 12/2011 với tổng mức đầu tư trên 768 tỷ đồng, dự kiến hoạt động năm 2017, song tới nay đang bỏ không.
Nói với báo Dân Trí ngày 25/11, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chủ tịch huyện Đông Anh, cho biết đây là dự án do TP. Hà Nội đầu tư, nên phía địa phương đã phải “trải thảm đỏ cho nhà đầu tư khi thu hồi hơn 87.000 m2 đất nông nghiệp của người dân để bàn giao và miễn toàn bộ tiền thuế thuê đất cho doanh nghiệp trong thời hạn 50 năm”.
Thế nhưng, người dân và địa phương từng “kỳ vọng vào nhà máy xử lý rác bao nhiêu, thì nay lại thất vọng bấy nhiêu”, ông nói.
Theo ông Dũng, có hai nguyên nhân chính khiến dự án chưa hoạt động là do “nhân lực, đội ngũ kỹ sư thiếu thốn” và do “quá trình nhập dây chuyền máy móc của nhà máy gặp trục trặc”.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang, nguyên nhân dẫn đến nhà máy chưa thể hoạt động là do “đang trong thời gian xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại liên vùng cho khu xử lý chất thải xã Việt Hùng (huyện Đông Anh)”.
“UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin điều chỉnh giấy phép cho dự án. Doanh nghiệp rất khổ khi dự án đầu tư gần 1.000 tỷ đồng mà đắp chiếu.
Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm chấp thuận điều chỉnh giấy phép xử lý rác thải nguy hại để doanh nghiệp hoạt động. Nếu chậm điều chỉnh thì nhà máy tiếp tục đóng cửa, doanh nghiệp cũng vỡ nợ vì không thể hoàn vốn”, ông Quang nói trên báo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, báo Vnexpress dẫn lời chuyên gia chuyên nghiên cứu về công nghệ Plasma trong xử lý rác thải, cho rằng “sẽ phải mất nhiều thời gian nữa nhà máy đốt rác tại huyện Đông Anh mới có thể đi vào hoạt động”.
“Việt Nam không phân loại rác ngay từ đầu, do đó rất khó để đốt rác theo công nghệ plasma”, vị này lý giải và nói thêm “nhiều người nghĩ công nghệ này sẽ đốt được cùng lúc mọi loại rác nhưng không dễ dàng như vậy”.
Hiện TP. Hà Nội mới chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn), khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) và khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm).
Điều đáng nói, đầu tháng 11/2021, cả 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn đều phải gián đoạn tiếp nhận rác do quá tải. Hàng loạt dự án xử lý chất thải rắn đã phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên nhiều dự án bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, phần do chủ đầu tư.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP. Hà Nội mỗi ngày có khoảng 5.000 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 4.000 tấn rác. Chỉ tính riêng bãi rác Nam Sơn chưa bao gồm lượng nước mưa đã phát sinh lượng nước rỉ rác mỗi ngày khoảng 3.000m3.
Bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) tiếp nhận xử lý trên 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.
Báo Tin Tức hồi đầu tháng 11/2021 ghi nhận, do bãi rác Nam Sơn không thể tiếp nhận rác, trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội như đường Dương Quảng Hàm, Nguyễn Khang, Khương Trung, Nguyễn Trãi… rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, chất đống, bốc mùi hôi thối, nhiều xe rác để dưới lòng đường, một số nơi rác vứt bừa bãi, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và làm mất mỹ quan đô thị.
Hoàng Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Hà Nội Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh