Quảng Nam: Huyện miền núi Nam-Bắc Trà My lại ngập sâu, sạt lở; người dân khiêng xe máy qua dòng lũ
- Minh Anh
- •
Sang ngày thứ 2 trong trận mưa lớn, nhiều tuyến đường tại các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) bị ngập nước, sạt lở. Theo giới chức huyện Nam Trà My, có tới 5.000 hộ cần sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Trước mắt, khoảng 2.000 người ở xã Trà Vinh trong huyện này đã bị cô lập.
Theo tin từ báo Quảng Nam ngày 29/11, mưa lớn liên tục từ sáng 28/11 đã làm mực nước Sông Trường, sông Nước Oa dâng cao khiến đường lên các xã vùng cao của huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My bị sạt lở, ngập sâu gây chia cắt cục bộ.
Vào sáng 29/11, ngầm Sông Trường (đoạn quốc lộ 40B, thuộc xã Trà Sơn) bị chìm sâu hơn 2,2m. Ngầm sông Nước Oa (quốc lộ 40B, địa phận xã Trà Tân) cũng bị ngập sâu 1,1m. Việc lưu thông lên các xã vùng cao của 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My hoàn toàn bị tê liệt. Các cầu ngầm trên tuyến đường liên xã về Trá Giáp, Trà Ka, Trà Đông, Trà Dương cũng bị ngập sâu, không thể lưu thông.
Ngoài ra, quốc lộ 40B đoạn đi qua xã Trà Giác đã xảy ra ít nhất 3 điểm sạt lở lớn tại km85+550, km81+100 và km80+300; đất đá và cây cối bị cuốn xuống gây tắc nghẽn giao thông.
Có 4 hộ dân vùng sạt lở tại cụm dân cư số 2 (tổ Đàn Bộ) và 2 hộ dân tổ Trung Thị (thuộc khu vực Núi Chim) nằm ven tuyến đường phía tây thị trấn Trà My được vận động sơ tán để đảm bảo an toàn. Ông Trịnh Ngọc Duy – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trà My cho hay trong số 6 hộ dân đi sơ tán, có 4 hộ đến ở nhờ nhà người thân, 2 hộ đi thuê trọ.
Tại huyện Nam Trà My, vào trưa 29/11, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện cho biết hơn 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu ở xã Trà Vinh đang bị cô lập do nước ngập sâu, chảy xiết khiến tuyến đường từ xã Trà Vân vào xã Trà Vinh bị tê liệt.
“Khu vực thác Tắc Chua nằm giáp ranh giữa 2 xã Trà Vân và Trà Vinh đang bị ngập sâu. Dòng nước chảy xiết khiến tuyến giao thông từ xã Trà Vân vào Trà Vinh bị tê liệt. Vì vậy, hơn 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu ở xã Trà Vinh đang bị cô lập”, ông Dũng nói, VTC News đưa tin.
Cảnh một nhóm người khiêng xe máy qua dòng nước lũ chảy xiết. Clip do người dân quay lại trên đoạn đường giáp ranh giữa xã Trà Vân và Trà Vinh huyện Nam Trà My, trong đợt mưa lớn 28-29/11. (Nguồn: dẫn qua Review Trà My – Quảng Nam/Facebook)
Mưa lớn làm mực nước sông Leng (xã Trà Leng) dâng cao, gây sạt lở mố cầu bê tông dẫn vào làng tái định cư Bằng La (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My). Mố cầu này đã có dấu hiệu bị sụt lún từ trận mưa giữa tháng 11 đến nay, mới được khắc phục tạm thời, đến nay bị sạt lở nặng. Việc mố cầu bị sạt lở cùng tuyến đường D1K8 bị ngập trong bùn đất khiến 45 hộ dân với khoảng 180 nhân khẩu ở khu dân cư Bằng La bị cô lập.
Giới chức huyện Nam Trà My dự tính có tới khoảng 5.000 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng và có nguy cơ bị sạt lở. “Hai ngày nay, mưa lớn liên tục khiến nhiều tuyến đường tại huyện Nam Trà My bị chia cắt. Trong đó, tuyến đường lên xã Trà Linh bị sạt lở nhiều điểm, chia cắt hoàn toàn; tuyến đường DH8 vào xã Trà Leng cũng bị sạt lở mố cầu, lực lượng chức năng đã căng dây ngăn người dân qua lại. Địa phương đang sơ tán khoảng 5.000 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng”, ông Dũng nói, Zing đưa tin vào trưa 29/11.
Về phương án di dời, ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết một số tuyến đường đi các xã tại Nam Trà My bị sạt lở rất lớn, chưa đi lại được, ai ở đâu thì ở yên đó. Những hộ trong vùng nguy hiểm thì đã được sơ tán tới các điểm sơ tán do huyện sắp xếp. Ông Mẫn cho hay huyện dự kiến khi mưa ngớt sẽ tập trung người và phương tiện để thông tuyến, “chứ hiện đang mưa thì không thể làm được”.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, từ rạng sáng ngày 28/11 qua đến sáng 29/11, lượng mưa phổ biến tại tỉnh Quảng Nam từ 70mm – 120 mm. Đến 9h sáng ngày 29/11, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đăk Mi 4, huyện Phước Sơn ở mức hơn 1.100m3/s, thủy điện này đã xả lũ với lưu lượng hơn 800m3/s. Lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My là gần 2.600m3/s, thủy điện này xả lũ với lưu lượng gần 2.100m3/s.
Tiếp đến, từ 1h ngày 29/11 đến 1h ngày 30/11, lượng mưa ở các địa phương trong tỉnh phổ biến từ 40 – 80mm, có nơi cao đến 116mm tại trạm đo mưa Khâm Đức (huyện Phước Sơn), 141 mm tại trạm đo mưa Xuân Bình (huyện Núi Thành).
Cơ quan này cảnh báo trong 24-48h tới, từ 1h ngày 30/11 đến 1h ngày 2/12, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, sau đó mưa có xu hướng giảm dần. Tổng lượng mưa ở các địa phương phía Nam tỉnh phổ biến từ 40 – 90mm, có nơi trên 150mm; các địa phương phía Bắc phổ biến từ 15 – 40mm, có nơi trên 60mm.
Đỉnh Fansipan dưới 0 độ C, sương muối rơiDo nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ C, gần sáng 29/11, đỉnh Fansipan đã xuất hiện sương muối với cường độ nhẹ, Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai đưa tin. Theo hình ảnh ghi nhận được, các tinh thể màu trắng đục phủ trắng một lớp mỏng trên đường đi, bậc đá, có độ ẩm cao. Ông Lưu Minh Hải – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai, cho biết hiện tượng sáng nay xuất hiện trên đỉnh Fansipan là sương muối, không phải băng tuyết. Hai hiện tượng này gần tương đồng nhau vì đều là các tinh thể băng, hình thành trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ C, theo Zing dẫn tin. Theo ông Hải, vào sáng 30/11, một đợt không khí lạnh tăng cường tràn xuống gây rét diện rộng cho các tỉnh, thành phố Bắc Bộ. Không khí lạnh lần này có đặc điểm lạnh khô nên chỉ gây mưa nhỏ vài nơi, sau đó biến tính và gây hiện tượng trời quang mây, hanh khô. Trời rét sâu về đêm và sáng sớm. Tại khu vực núi cao như Sa Pa (Lào Cai), nhiệt độ có thể xuống ngưỡng 4-6 độ C, ngưỡng rét hại sâu. Ông Hải dự báo trong đợt này, sương muối tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở nhiều vùng núi cao của miền Bắc do thời tiết những ngày tới tiếp tục hanh khô, nhiệt độ xuống rất thấp. |
Minh Anh
Xem thêm:
Từ khóa sạt lở mưa lũ miền Trung Nam Trà My huyện Bắc Trà My