Sau nhiều vụ sạt lở và nứt núi ở xã Ba Giang (huyện Ba Tơ), chính quyền tỉnh Quảng Ngãi công bố đã chi 1,14 tỷ từ nguồn kinh phí dự phòng để huyện Ba Tơ di dời khẩn cấp 38 nhà dân trong xã này đến nơi ở mới.

sat lo huyen ba to
Hai điểm sạt lở núi ở thôn Nước Lô và Gò Khôn, xã Ba Giang, tháng 10/2020. (Ảnh: quangngaitv.vn)

Theo thông tin từ giới chức tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu mùa mưa đến nay, do ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão và mưa to dữ dội, hàng loạt vụ sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối đã xảy ra tại các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long.

Ngập úng diện rộng xảy ra tại các vùng trũng, thấp tại các địa phương thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, đời sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, tại hai thôn Nước Lò và Gò Khôn của xã Ba Giang, tình trạng nứt núi ngày càng lan rộng. Vì vậy, mỗi khi mưa lớn, chính quyền xã Ba Giang và huyện Ba Tơ phải tổ chức sơ tán, di dời khẩn cấp các hộ ở gần ra khỏi nơi nguy hiểm.

Theo đó, tỉnh này đã duyệt chi 1,14 tỷ từ nguồn kinh phí dự phòng để huyện Ba Tơ di dời khẩn cấp 38 nhà dân trong xã này đến nơi ở mới. Phía huyện Ba Tơ cho hay ngoài 38 hộ ở xã Ba Giang, trong huyện còn rất nhiều điểm dân cư cũng nằm trong khu vực có nguy cơ núi nứt, sạt lở đe dọa cần di dời trong thời gian tới.

Trong hai tháng 9 và 10 vừa qua, Quảng Ngãi đã liên tiếp chịu ảnh hưởng từ các cơn bão số 5, 6, 7 cùng các đợt mưa lớn từ ngày 15 – 17/10 và ngày 22 – 24/10, lượng mưa có nơi lên đến 900mm.

Trong đợt mưa lớn ngày 23/10, lượng mưa vượt kỷ lục cũ năm 2009, hơn 800 hộ dân với hơn 2.400 người tại huyện Bình Sơn phải sơ tán khỏi vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở. Còn tại miền núi, các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ sạt lở xảy ra liên tiếp. Nặng nhất là tuyến đường từ đèo Eo Chim đi xã Trà Nham (huyện Trà Bồng) sạt lở dài khoảng 200m đường, khiến hơn 2.200 người bị cô lập.

Vào ngày 2/11, Quảng Ngãi đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 520 tỷ đồng khắc phục bão lũ, với lý do ngân sách tỉnh đang rất khó khăn, hụt thu, mất cân đối gần 5.000 tỷ đồng trong hai năm 2019, 2020 và thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 nên không còn kinh phí để khắc phục hậu quả do bão lũ vừa gây ra.

Các khoản chi được nêu bao gồm: 300 tỷ đồng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; 125 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu tái định cư trong vùng nguy cơ sạt lở cao; 50 tỷ đồng khôi phục bước 1, 2 trên các tuyến đường giao thông của tỉnh; 30 tỷ đồng khắc phục các tuyến kênh, mương thuỷ lợi bị hư hỏng, sạt lở; 15 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Theo thống kê của chính quyền tỉnh, ước tính qua các đợt mưa, lũ và thiên tai khác trong các tháng 9, 10, 11/2021, có 171 nhà, 4 điểm trường bị thiệt hại; 1.674 ha lúa, gần 2.270 ha hoa màu và 573 ha cây trồng hằng năm khác bị hư hỏng và thiệt hại; 21 ha đất canh tác bị sa bồi và thủy phá, 8 hồ chứa và 12 công trình nước sạch, 28 đập dâng bị bồi lấp và hư hỏng; hàng loạt tuyến đường giao thông bị sạt lở… Tổng thiệt hại khoảng 850 tỷ đồng.

Minh Anh

Xem thêm: