Sẽ quá tải nếu 1.000 ca, Đồng Nai xác nhận dịch đã lan tiếp vào DN, khu trọ công nhân
- Nguyễn Quân
- •
Sáng 11/7, giới chức Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho hay đã ghi nhận tổng 274 ca, vượt 115 ca so với con số do Bộ Y tế công bố và gấp 2,5 lần số ca vào thời điểm tỉnh này quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 (từ 0h ngày 9/7). Giới chức tỉnh xác định Đồng Nai sẽ quá tải nếu số bệnh nhân ở mức 1.000 ca.
Theo tin từ Báo Đồng Nai, sáng 11/7, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết vừa ghi nhận thêm 72 trường hợp dương tính với COVID-19 (bao gồm 22 ca bổ sung từ ngày 9/7), nâng tổng số ca dương tính từ đợt dịch thứ 4 lên 274 ca. 3 khu vực có số ca nhiều nhất hiện nay gồm: huyện Thống Nhất 104 ca, TP Biên Hòa 83 ca, huyện Nhơn Trạch trên 30 ca. `
Con số ca nhiễm ở tỉnh này do Bộ Y tế công bố, tính đến sáng 11/7 mới dừng ở 159 ca.
Tại cuộc họp ngày 8/7, trước khi đưa ra quyết định Đồng Nai sẽ giãn cách xã hội trong 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, số ca nhiễm được ghi nhận là 110 người, chủ yếu nguồn lây từ chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn (TP.HCM). Giới chức tỉnh này xác nhận Đồng Nai sẽ quá tải nếu số bệnh nhân ở mức 1.000 ca.
Nguy cơ quá tải xuất phát hạn chế về số giường điều trị, số máy thở, máy ECMO và nhân lực (nhân lực chủ yếu sử dụng tại chỗ nên khó ứng phó với những ca bệnh trở nặng đột ngột). Ngày 8/7, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai được xác nhận đã kín bệnh nhân. Toàn tỉnh chỉ có 500 giường bệnh nhưng phần lớn đang phải sửa chữa nên trên thực tế chỉ có 180 giường. Chưa kể tỉnh này chưa đáp ứng được yêu cầu là khu cách ly phải có nhà vệ sinh riêng, vì tận dụng cơ sở sẵn có.
Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – ông Cao Tiến Dũng cho biết tỉnh đang tính đến việc xem vị trí nào để làm bệnh viện dã chiến. “Không thể cũng nào lấy bệnh viện khu vực, bệnh viện trung tâm huyện để làm nơi chữa trị bệnh nhân COVID-19 được, vì dân còn bao nhiêu thứ bệnh khác. Quan điểm của Đồng Nai là không để lây nhiễm chéo” – ông Dũng nói.
Cập nhật vào sáng 11/7, ông Vũ nhận định đã có lây nhiễm thứ phát ghi nhận đến vòng 2. Nguồn lây ban đầu chủ yếu từ các chợ Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức (TP.HCM) xâm nhập vào các chợ đầu mối tại Đồng Nai, sau đó lan ra các chợ khác trong toàn tỉnh. Hiện từ các ổ dịch ở chợ đã ghi nhận lây nhiễm thứ phát vào Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP Biên Hòa) và các khu nhà trọ công nhân.
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai dự báo những ngày tới, số ca dương tính trong nhóm các tiểu thương ở chợ từ các F1, F2 và có thể đến F3, đồng thời phát sinh thêm các ổ dịch thứ phát trong các chợ khác, khu nhà trọ, khu dân cư và doanh nghiệp.
Trước mắt, từ 0h ngày 11/7, thêm các phường: Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai và một phần phường Phước Tân thuộc TP Biên Hòa với hơn 55.000 hộ/255.497 nhân khẩu bị phong tỏa trong 14 ngày, khi trở thành ổ dịch thứ phát từ các chợ Hóa An, Tân Biên, Phước Tân (đã tạm ngưng từ 18h ngày 9/7).
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cũng bị tạm ngừng hoạt động từ 7h ngày 11/7, khi một tiểu thương dương tính COVID-19 qua 2 lần test nhanh tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất.
Tỉnh Đồng Nai đang gấp rút tăng công suất điều trị bệnh nhân COVID-19 lên 1.500 giường bệnh, Sở Y tế cập nhật vào sáng 11/7. Các cơ sở điều trị COVID-19 hiện tại gồm:
Bệnh viện dã chiến số 2 tại ký túc xá Trường đại học Lạc Hồng có công suất 500 giường, dự kiến tiếp nhận bệnh nhân từ chiều nay, 11/7. Bệnh viện dã chiến số 3 tại ký túc xá Trường đại học Mở tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa có công suất hơn 550 giường đang được gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Vượt 500 ca COVID-19, Đồng Tháp giãn cách TP Sa Đéc và 4 huyện theo Chỉ thị 16
Từ khóa Dòng sự kiện virus vũ hán COVID-19 Đồng Nai Công ty Pouchen Việt Nam