Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi
- Minh Long
- •
Dịch tả lợn châu Phi hiện đã lan ra 20 tỉnh thành của Việt Nam, số lượng lợn bệnh bị tiêu hủy là 37.868 con.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 302 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo quyết định, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là Trưởng ban. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT là Phó Trưởng ban.
Các ủy viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Công an, Ngoại giao, Tài chính, KH&ĐT, TT&TT, GTVT, TN&MT, Quốc phòng, Y tế, Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
Cục Thú y là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên cả nước.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể người dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổ chức thực hiện và kiểm tra các bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng ban. Trưởng ban, Phó Trưởng ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Bộ NN&PTNT. Các thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban Chỉ đạo. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.
Theo ông Nguyễn Văn Long – Trưởng Phòng Dịch tễ Thú y (Cục Thú y), tình hình dịch tả lợn châu Phi trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến nay, hơn 20 quốc gia báo cáo có dịch. Tại Trung Quốc, tổng cộng có 113 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh, thành và 1,1 triệu con lợn bị tiêu hủy.
Tại Việt Nam, từ ngày 1/2 đến 20/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 310 xã, 62 huyện của 20 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 37.868 con.
Minh Long
Xem thêm:
Từ khóa Bộ NN&PTNT dịch tả lợn châu Phi