Việt Nam đề nghị Mỹ hoãn áp thuế 1-3 tháng để đàm phán
- Minh Long
- •
Chính phủ Việt Nam đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng từ 1-3 tháng để đàm phán, với tinh thần đảm bảo công bằng, cả hai bên cùng có lợi, theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
- Chính quyền Trump đã tính toán mức thuế quan đối ứng như thế nào?
- Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng công tác ứng phó thuế 46% từ Mỹ
- Bộ Công Thương Việt Nam: Mỹ áp thuế 46% là ‘thiếu khoa học và không công bằng’

Nội dung nêu tại cuộc họp giữa ông Hồ Đức Phớc với các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao để bàn các giải pháp về thuế quan với Mỹ, chiều ngày 4/4.
Tại buổi họp, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp các ngành hàng gỗ và lâm sản, thủy sản, hồ tiêu, điện tử, da giày túi xách, thép, dệt may, nhựa… nhấn mạnh Mỹ là thị trường quan trọng, có tính dẫn dắt nên rất quan ngại việc áp thuế với hàng hóa từ Việt Nam
Nhiều ý kiến cho rằng các sản phẩm trên không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao, có lợi thế so sánh, mà còn bổ trợ cho nền kinh tế, có lợi cho người tiêu dùng Mỹ. Việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ là cả hai cùng có lợi.
Theo đó, các doanh nghiệp, hiệp hội khẳng định sẵn sàng tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ Hoa Kỳ; cung cấp chứng cứ để chứng minh xuất xứ, năng lực để phục vụ quá trình đàm phán và “bằng mọi cách cần phải giữ được thị trường này”.
Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Khoa học và Công nghệ, Tài chính… khẳng định phía Việt Nam tiếp tục đối thoại. Nhà điều hành sẽ rà soát để xem xét, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, điều chỉnh sắc thuế với các nhóm mặt hàng, ngành hàng…
Cùng với đó, Việt Nam khẳng định sẽ điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng phù hợp, phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói Việt Nam luôn luôn chủ động, cầu thị, phối hợp mạnh mẽ với phía Mỹ để đàm phán thuế một cách công bằng; chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi.
Theo ông Phớc, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP, trong đó đã giảm nhiều dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy các hợp đồng mua hàng hóa từ Mỹ (máy bay, khí LNG,…); tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng cường mua nguyên liệu, thiết bị từ phía Mỹ.
Ông Phớc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán; đồng thời thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả để “giữ thị trường” Mỹ;
Đề nghị Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN chuyển thông điệp thiện chí từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tới Chính quyền Tổng thống Donald Trump để việc đàm phán hiệu quả, đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.
Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, trong đó khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ chịu mức cao hơn, lên tới 50%, từ 9/4.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm “đối ứng” với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này.
Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD.
Từ khóa bộ công thương bộ tài chính Mỹ Dòng sự kiện Recommend Thuế đối ứng
