“Nếu không thay đổi tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế thì cũng là thể chế cũ, là bình mới rượu cũ… Mô hình đặc khu kinh tế đã giúp nhiều quốc gia vươn lên và nhanh chóng tham gia vào các nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ như thế nào?” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi và đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, xử lý.

NQH01048
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị của Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: VGP)

Ngày 17/1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhận xét Ban Kinh tế Trung ương đã đồng hành cùng Chính phủ trên mặt trận kinh tế, giúp gặt hái nhiều thành tựu; đồng thời khen ngợi Ban Kinh tế “luôn bám sát thực tiễn, tư duy nhạy bén, sáng tạo.”

Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Ban Kinh tế Trung ương “nghiên cứu đề xuất các vấn đề mang tầm chiến lược đất nước mà chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2020.”

“Như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, cuộc sống con người. Việt Nam ta cũng là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vậy mô hình kinh tế nào có thể giúp chúng ta hạn chế các tiêu cực của biến đổi khí hậu”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Đức Kiên làm Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ

Về công nghiệp hóa, Thủ tướng lưu ý đây là điều kiện căn bản để hiện đại hóa đất nước, tự cường về kinh tế và đem lại phúc lợi cho người dân. Do đó, giai đoạn tới cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa thế nào cho hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia biển với 28 tỉnh, thành phố giáp biển, như vậy cần xây dựng đường lối phát triển kinh tế biển như thế nào để tận dụng được tiềm năng này.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề làm sao phát triển mạnh mẽ hơn nữa tầng lớp trung lưu và để tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến mô hình đặc khu kinh tế đã giúp nhiều quốc gia vươn lên, nhanh chóng tham gia vào nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển.

“Mô hình nào chúng ta có thể áp dụng để tìm ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta? Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ như thế nào? Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Hay những lần biểu tình, phản đối khi trình luật đặc khu ra là vì chưa làm tốt công tác truyền thông, chưa hướng dẫn tốt?” Thủ tướng đặt vấn đề và giao Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Ngoài ra, Thủ tướng muốn Ban Kinh tế nghiên cứu sâu hơn các bất cập trong quản lý đất đai bởi đây là việc “tương đối nhạy cảm” và cũng là “vấn đề bức xúc trong điều hành.”

Tuấn Minh

Xem thêm: