Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến từ năm 2025 sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn than/năm từ Lào qua tỉnh Quảng Trị, qua đó đề xuất đầu tư 2 dự án tại Khu bến cảng Mỹ Thủy.

tkv se nhap khoang 5 trieu tan than nam tu lao ve quang tri
Than nhập khẩu từ Lào về Quảng Trị đều qua Cửa khẩu quốc tế La Lay từ năm 2021 tới nay. Với việc dự án cảng Mỹ Thủy được tái khởi động hồi tháng 3/2024 sau 4 năm đình trệ, TKV đề xuất tỉnh Quảng Trị cho đầu tư 2 dự án kho bãi tại khu bến cảng Mỹ Thủy để tập kết than nhập từ Lào. (Ảnh: invest.quangtri.gov.vn)

Thông tin trên được nêu trong buổi làm việc chiều 14/11, giữa Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị.

Tổng Giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn cho biết tập đoàn đang triển khai nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, để cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.

Qua tìm hiểu, khảo sát thực địa, TKV đề xuất 2 dự án kho bãi tại khu vực Khu bến cảng Mỹ Thủy nhằm nhập khẩu, pha trộn than cấp cho các nhà máy điện. Trong đó, dự án số 1 dự kiến cần sử dụng từ 10-15 ha đất, công suất từ 2 – 3 triệu tấn/năm; dự án số 2 dự kiến cần sử dụng khoảng 30 ha đất, công suất từ 4 – 5 triệu tấn/năm.

Trao đổi thêm về dự án đề xuất, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Ngô Hoàng Ngân cho biết Bộ Công thương đã lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, tập đoàn, tổng công ty liên quan về dự thảo hiệp định giữa Việt Nam và Chính phủ Lào về mua bán than và điện với thời hạn 10 năm.

Dự kiến từ năm 2025, TKV sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn than/năm từ Lào. Cảng Mỹ Thủy (tỉnh Quảng Trị) có điều kiện tốt nhất để hình thành một khu vực hạ tầng bến bãi tập trung của TKV tại miền Trung, nhập than trong đó một phần được pha trộn chế biến, phần khác xuất đi toàn quốc.

Căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 15D nối cảng biển Mỹ Thủy và Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 78 km, 2 làn xe sẽ là tuyến đường ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và nhẩu khẩu than nói riêng từ Lào đến hệ thống cảng biển của Việt Nam.

Than từ các tỉnh Nam Lào nhập khẩu vào Quảng Trị qua Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông), sau đó vận chuyển về cảng biển Mỹ Thủy.

Hiện nay Quốc lộ 15D đang được Quảng Trị xúc tiến đầu tư. Trong đó, 58km do Nhà nước bảo trì, nâng cấp và đầu tư mới, 34km đang hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP.

cang my thuy
Phối cảnh dự án cảng Mỹ Thủy. (Ảnh: baogiaothong.vn)

Ngoài việc vận chuyển bằng đường bộ, các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống băng chuyền vận chuyển than trực tiếp từ Cửa khẩu quốc tế La Lay xuống thẳng cảng biển Mỹ Thủy.

Vì vậy, theo TKV, cảng Mỹ Thủy có điều kiện để hình thành một khu vực hạ tầng bến bãi tập trung của TKV tại miền Trung phục vụ cho công tác kinh doanh, pha trộn chế biến than. Tổng giám đốc Vũ Anh Tuấn cho hay ngoài tối thiểu 5 triệu tấn than/năm nhập khẩu từ Lào, TKV còn đưa than về phối trộn, chế biến tại Quảng Trị. Tổng khối lượng có thể lên đến 8 – 10 triệu tấn/năm, xu hướng tăng dần lên sau các năm.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho hay các đề xuất này mở ra hướng phát triển mới cho tỉnh Quảng Trị. Ông Tùng đề nghị nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ để nhà đầu tư sớm đưa dự án vào triển khai, hoạt động, góp phần thúc đẩy thu ngân sách của tỉnh.

Từ năm 2021, than đá nhập khẩu từ Lào về Việt Nam được thông quan chủ yếu qua cặp Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và La Lay (tỉnh Salavan, Lào).

Tính từ năm 2021 đến năm 2023, Quảng Trị đã nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn than đá nhập qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, trị giá trên 220 triệu USD, ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho hay trên báo Quảng Trị tháng 2/2024.

Vẫn theo ông Khoa, dự kiến thời gian tới, lượng than đá nhập khẩu từ Lào về Cửa khẩu quốc tế La Lay tăng lên mức 20-30 triệu tấn/năm.

Nguyễn Quân