Trong 2 năm, Quảng Ngãi có 61 viên chức y tế nghỉ việc
- Hoàng Minh
- •
Theo giới chức Y tế Quảng Ngãi, nguyên nhân khiến các y, bác sĩ nghỉ việc do tiền lương, phụ cấp tại các cơ sở y tế công lập thấp hơn nhiều lần so với cơ sở y tế tư nhân…
- 857 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác
- Ba tháng đầu năm, 400 nhân viên y tế tại TP.HCM phải nghỉ việc
- Đắk Lắk: Nguyên chủ tịch phường bị tố cáo hành hung nhân viên y tế
Ngày 22/7, ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ năm 2020 đến cuối tháng 6/2022, tỉnh có 61 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, năm 2020 là 31 người; năm 2021 là 17 người; 6 tháng đầu năm 2022 là 13 người (trong đó có 10 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 y sĩ).
Theo ông Đức, nguyên nhân viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng là do tiền lương, phụ cấp trả cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập thấp hơn nhiều lần so với cơ sở y tế tư nhân. Chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên ngành y, dược hiện nay rất cao, trong khi mức lương trả cho viên chức y tế (đặc biệt là bác sĩ) sau khi tốt nghiệp ra trường tại đa số cơ sở y tế công lập còn quá thấp, nên dẫn đến rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, môi trường làm việc, nhất là công tác phòng dịch COVID-19 gây áp lực lớn cho cán bộ, nhân viên y tế dễ gây căng thẳng, mệt mỏi, giảm động lực làm việc. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh giảm mạnh, trong khi đó, ngoài tiền lương, viên chức y tế không có khoản thu nhập tăng thêm.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, tổng cộng có 9.397 viên chức y tế đã thôi việc, bỏ việc.
Trong đó, trong năm 2021 có 5.284 người; 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 người (gồm 3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
Lý giải về tình trạng này, ông Tuyên nói rằng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
Tại hệ thống y tế công, áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát đến nay làm tăng thêm khối lượng công việc cộng với công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng.
Ngoài ra, theo ông Tuyên, nhân viên y tế làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua…
7 lý do làm “giọt nước tràn ly” khiến hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc
Báo Sức khỏe & Đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) ngày 8/7 dẫn ý kiến của TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng có 7 lý do làm “giọt nước tràn ly” khiến hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc.
Thứ nhất, thu nhập thấp. Một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Tới khi ra nghề, bác sĩ đã đến 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình, mức lương khoảng 5-7 triệu đồng đảm bảo để an tâm công tác.
Để so sánh, ông Quang cho hay người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng.
Thứ hai là áp lực công việc nặng nề, chưa bảo đảm an toàn nghề nghiệp. Làm ở khu vực y tế công, áp lực công việc lớn, trực bệnh viện liên tục, phải đối diện với sự xúc phạm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe và tính mạng từ phía người bệnh và người thân, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Thứ ba, thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế. Để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, có như vậy bác sĩ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh. Nhưng hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế trong khi ở bệnh viện tư, họ sẵn sàng đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế.
Thứ tư, môi trường làm việc chưa thật sự được đáp ứng. Làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng bác sĩ, nhân viên y tế lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Trong khi ra làm việc ở các bệnh viện tư, điều này là khác.
Thứ năm, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng thực hành y khoa khác biệt giữa khu vực công với khu vực tư nhân. Khi làm ở khu vực công, y bác sĩ muốn đi học phải chờ lần lượt, phải đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện… Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân nếu muốn đi học, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo, nâng cao tay nghề.
Thứ sáu, khả năng thăng tiến. Tại bệnh viện công, muốn làm trưởng, phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt…Trong khi ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề, kỹ năng thực hành y khoa, có uy tín, đông bệnh nhân…là đã có thể được bổ nhiệm.
Thứ bảy, quản trị bệnh viện công khác so với bệnh viện tư. Việc quản lý các bệnh viện công vẫn theo thói quen từ trước đến nay nên ít có sự thay đổi trong khi ở khu vực y tế tư nhân vấn đề này lại được đặc biệt chú trọng, thay đổi thường xuyên, tiếp cận được với các phương thức quản trị bệnh viện trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thu hút bác sĩ, nhân viên y tế chuyển đến khu vực y tế tư nhân.
Từ khóa y bác sĩ nghỉ việc Quảng Ngãi COVID-19