Từ 1/4, rút trên 100 triệu đồng tại kho bạc phải đăng ký trước
- Nguyễn Quân
- •
Thông tư 13 của Bộ Tài chính quy định quản lý, thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc nhà nước vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4.
Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch rút tiền mặt từ 200 triệu đồng trở lên đối với Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh và 100 triệu đồng trở lên đối với KBNN cấp huyện, phải đăng ký với KBNN nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền. Điều này là để KBNN có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt.
Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán. Việc đăng ký rút tiền mặt với với KBNN được thực hiện theo các hình thức sau:
- Đăng ký bằng văn bản với KBNN.
- Đăng ký qua điện thoại với nhân viên có thẩm quyền của KBNN nơi giao dịch (Trưởng phòng Kế toán hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp tỉnh; Kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp huyện); trong trường hợp này, đơn vị phải gửi bổ sung văn bản đăng ký rút tiền mặt khi đến KBNN làm thủ tục thanh toán.
- Đăng ký qua dịch vụ công qua cổng thông tin của KBNN (trường hợp KBNN đã triển khai thủ tục đăng ký rút tiền mặt qua dịch vụ công); trong trường hợp này, đơn vị không phải gửi bổ sung văn bản đăng ký rút tiền mặt.
Trong trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký rút tiền mặt với KBNN cấp huyện ngay trong ngày làm việc tại ngân hàng thương mại nơi KBNN cấp huyện mở tài khoản, đối với những khoản chi phải đăng ký rút tiền mặt thì phải đăng ký với KBNN nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền. Đối với khoản chi không phải đăng ký rút tiền mặt tại KBNN cấp huyện thì KBNN cấp huyện sẽ chuyển chứng từ rút tiền mặt (bản điện tử) đến ngân hàng thương mại đó để đơn vị sử dụng NSNN lĩnh tiền mặt tại ngân hàng.
Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách khi giao dịch với KBNN cấp huyện có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt từ 1 tỷ đồng trở lên trong một lần thanh toán, thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi kho bạc cấp huyện mở tài khoản.
Những khoản chi phải đăng ký rút tiền mặt bao gồm:
Các khoản chi thanh toán cá nhân (tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, học bổng học sinh/sinh viên, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, chi lương hưu và trợ cấp xã hội…; chi tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh; các khoản thanh toán khác cho cá nhân.
Chi giải phóng mặt bằng trực tiếp cho người dân; chi mua sắm vật tư do người dân khai thác và cung ứng được chính quyền địa phương và chủ đầu tư chấp thuận (bao gồm các khoản chi do chủ đầu tư mua để cấp cho đơn vị thi công); chi xây dựng các công trình do người dân tự làm của xã.
Chi một số nhiệm vụ của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ, bao gồm: mật phí; phụ cấp, tiền ăn hạ sỹ quan binh sĩ, công tác phí, đi phép; chi nuôi phạm nhân, can phạm và các nhu cầu chi thường xuyên khác bằng tiền mặt.
Chi trả nợ dân (chỉ bao gồm các khoản chi trả trái phiếu, công trái bán lẻ trong hệ thống KBNN cho các cá nhân; chi trả bằng tiền mặt đối với vàng bạc, đá quý, tư trang tạm giữ cho các nguyên chủ).
Chi mua lương thực dự trữ (chỉ bao gồm phần do cơ quan Dự trữ Quốc gia thu mua trực tiếp của người dân; không bao gồm phần mua qua các Tổng công ty, công ty lương thực được thanh toán bằng chuyển khoản).
Các khoản chi của đơn vị giao dịch có giá trị nhỏ không vượt quá 5 triệu đồng đối với một khoản chi; các khoản chi cho các đoàn công tác, chi hỗ trợ thôn bản ở các xã và các khoản chi khác cho các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ không có tài khoản tại ngân hàng, trừ những khoản chi cho những công việc cần phải thực hiện đấu thầu theo chế độ quy định.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa ngân sách thực hiện giao dịch rút tiền mặt rút tiền tại kho bạc nhà nước đăng ký rút tiền mặt với KBNN