Ủy ban châu Âu sắp thanh tra tình hình khai thác hải sản trái phép của Việt Nam
- Khánh Vy
- •
Đoàn Thanh tra Uỷ ban Châu Âu (EC) sắp sang Việt Nam để thanh tra thực tế về tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, Bộ NN&PTNT đã gửi công điện khẩn tới các địa phương ven biển về việc này.
- Việt Nam xác nhận thêm 42 ngư dân bị Malaysia bắt giữ
- Mỹ cấm nhập khẩu hải sản từ các tàu cá Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức
Vào tháng 10 tới, Đoàn Thanh tra Uỷ ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để thanh tra thực tế về tình trạng đánh bắt hải sản trái phép.
Bộ NN&PTNT mới đây đã gửi công điện khẩn tới các UBND các tỉnh và thành phố ven biển, nhấn mạnh việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
EC đã rút thẻ vàng cảnh cáo tình trạng đánh bắt cá trái phép của các tàu cá Việt Nam vào tháng 10 năm 2017 và đã 3 lần đến thanh tra việc thực hiện chống IUU của Việt Nam. Nếu Việt Nam không nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của EC về IUU, hải sản Việt Nam sẽ bị phạt thẻ đỏ, nghĩa là bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU.
Cộng đồng châu Âu (EU) nằm trong top năm thị trường xuất khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của Việt Nam năm 2022, thị trường EU đóng góp 1,3 tỷ USD.
Chính phủ Việt Nam nhận định cho đến giờ EC vẫn chưa gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam vì một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị cần thực hiện còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài.
Theo thống kê của Chính phủ Việt Nam, năm 2022 có 84 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị cơ quan hữu quan nước ngoài bắt giữ do vi phạm về ngư trường, từ đầu năm 2023 đến tháng 5 có 16 tàu cá bị bắt giữ.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn lợi thủy sản suy giảm, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi khai thác trái phép.
Công điện khẩn của Bộ NN&PTNT mới đây cũng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để tình trạng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ NN&PTNT giao Cục Kiểm ngư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao… tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc với các nước sở tại bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam để nắm bắt tình hình và điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.
Vào tháng 1/2023, 4 tàu cá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị phạt tiền vị vi phạm những lỗi trong quy định IUU gồm tháo và tắt thiết bị giám sát hành trình, không có nhật ký khai thác, che giấu chứng cứ vi phạm. Chủ tịch UBND Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phạt 4 tàu vi phạm hơn 2,5 tỷ đồng, thuyền trưởng bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ từ 6 – 12 tháng. Tỉnh Kiên Giang vào ngày 15/4 vừa qua cho biết lực lượng chức năng phát hiện 45 tàu vi phạm trong đánh bắt hải sản. |
Khánh Vy
Từ khóa khai thác hải sản trái phép Thanh Tra Uỷ ban Châu Âu