Vietjet Air chiếm nhiều sự cố hàng không đáng lưu ý nhất trong năm 2018
- Tuấn Minh
- •
Năm 2018, ngành hàng không Việt Nam xảy ra nhiều sự cố, khiến hành khách lo sợ và đặt câu hỏi về chất lượng kiểm soát an ninh, an toàn của ngành.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 4/12, trong 11 tháng năm 2018, cả nước xảy ra 79 sự cố liên quan đến an toàn bay. Trong đó, có 2 sự cố nghiêm trọng mức B (chỉ đứng sau sự cố mức A tức Tai nạn – mức cao nhất trong tiêu chuẩn sự cố hàng không của ICAO), 8 sự cố uy hiếp an toàn mức cao – mức C và 69 sự cố uy hiếp an toàn mức D.
Nếu tính thêm cả các sự cố xảy ra trong tháng 12, hãng Vietjet Air chiếm số lượng nhiều nhất các sự cố được coi là nghiêm trọng, uy hiếp an toàn bay của ngành hàng không Việt Nam trong năm 2018.
Mới đây nhất, là việc hãng này liên tiếp gặp 3 sự cố trong vòng 2 ngày.
6h30 sáng ngày 26/12, chuyến bay của Vietjet mang số hiệu VJ513 chuẩn bị cất cánh từ sân bay Nội Bài đi Đà Nẵng đã phải dừng lại, quay vào sân đỗ để kiểm tra kỹ thuật do có cảnh báo trục trặc động cơ.
Trưa 25/12, chuyến bay VJ689 của Vietjet cất cánh từ sân bay Cam Ranh đi Tân Sơn Nhất cũng có cảnh báo kỹ thuật. Tổ bay quay lại hạ cánh xuống Cam Ranh nhưng đáp nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác.
Cục Hàng không đã quyết định đình chỉ tổ bay VJ689 để phục vụ công tác điều tra, đồng thời đình chỉ công tác đối với người chịu trách nhiệm chính của Vietjet liên quan đến việc khai thác.
Trước đó, đêm 24/12, chuyến bay của Vietjet với số hiệu VJ816 từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) về sân bay Tân Sơn Nhất (Tp. HCM) đã phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Đào Viên (Đài Loan) kiểm tra vì cảm biến báo khói trong buồng hàng báo phát cảnh báo.
Ngoài 3 sự cố trên, một sự cố khác được coi là nghiêm trọng nhất xảy ra vào đêm ngày 29/11, chuyến bay VJ356 của Vietjet bay từ Tp. HCM đi Buôn Ma Thuột bị mất hai bánh trước trong quá trình hạ cánh. Tuy vậy, máy bay đã dừng lại an toàn tại sân bay Buôn Ma Thuột, toàn bộ 207 hành khách trên khoang đã được tổ chức thoát hiểm bằng phao trượt, trong đó có 6 hành khách bị thương nhẹ.
Sự cố máy bay bị mất bánh trước này được Cục Hàng không xác định mức độ nghiêm trọng (mức B).
Ngay tuần trước đó, trên chuyến bay VJ198 khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Hà Nội lúc 19h05 ngày 19/11 của hãng này đã xảy ra “sự cố máy tính cảnh báo kỹ thuật”, máy bay phải bay vòng hơn 30 phút trước khi quay lại sân bay Tân Sơn Nhất hạ cánh khẩn cấp, khiến hơn một trăm hành khách hoảng sợ.
Như vậy, chỉ trong vòng 45 ngày, hãng Vietjet đã gặp tới 5 sự cố hàng không.
Trong năm 2018, Vietjet cũng gặp thêm 2 sự cố khác. Một là sự cố vào ngày 11/4, chuyến bay VJ627 chở 213 hành khách từ Đà Nẵng đi Tp. HCM đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi tổ bay xác định nhiệt độ khí thải sau động cơ tăng tới giới hạn, có thể dẫn tới cháy nổ động cơ.
Hai là sự cố vào ngày 30/10, chuyến bay số hiệu VJ982 từ Hà Nội đi Busan phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Hong Kong sau khi phi hành đoàn phát hiện vấn đề liên quan tới kỹ thuật. Lỗi này sau đó được Vietjet thông tin tới báo chí là báo động giả và máy bay đã có thể hoạt động bình thường trở lại ngay sau sự cố.
Trước các sự cố liên tiếp của Vietjet, Cục hàng không đã quyết định dừng tăng chuyến để rà soát đánh giá lại vấn đề khai thác của hãng này trong thời gian qua. Đồng thời thực hiện giám sát đặc biệt với Vietjet tại 4 cảng hàng không quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.
Bên cạnh Vietjet Air, Vietnam Airlines cũng gặp một số sự cố được xem là nghiêm trọng trong năm 2018.
Tối 16/7, máy bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN1266 từ Tp. HCM đi Vinh đã bị nổ 1 lốp phía trước khi hạ cánh xuống đường băng sân bay Vinh, Nghệ An. Sự cố nghiêm trọng đã buộc sân bay Vinh phải đóng cửa trong suốt 11 giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành các chuyến bay đi và đến của sân bay này. Đây là sự cố được xếp vào mức B.
Ngày 29/4, máy bay của Việt Nam Airlines số hiệu VN7344 chặng Tp. HCM – Cam Ranh chở 203 hành khách đã hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Kết quả điều tra cho thấy lỗi thuộc về tổ bay do xác định nhầm và hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định.
Thị trường hàng không Việt Nam phát triển nóng trong những năm gần đây đã đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu đi lại và vận chuyển của người dân. Nhất là trong dịp lễ tết khi nhu cầu đi lại tăng cao, các hãng hàng không thường tăng cả nghìn chuyến bay phục vụ. Tuy nhiên, với đặc thù yêu cầu an toàn ở mức độ cao nhất của ngành hàng không, vấn đề an ninh hàng không cần được đảm bảo tuyệt đối.
Tuấn Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Vietnam Airlines sự cố hàng không hạ cánh nhầm đường băng sự cố vietjet air hạ cánh khẩn cấp