Vụ chạy thận 8 người tử vong: Chưa sửa xong đã cho chạy máy
- Trần Tâm
- •
Chiều ngày 15/5, phiên xử sơ thẩm vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Là người được hỏi đầu tiên, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi) – giám đốc công ty Trâm Anh khai năm 2013, Quốc có quan hệ làm ăn với Đỗ Anh Tuấn – giám đốc công ty Thiên Sơn là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình để thay thế, sửa chữa hệ thống lọc nước RO cho các máy chạy thận.
Sau khi hợp tác làm ăn, Tuấn giới thiệu Quốc tới Bệnh viện đa khoa để sửa chữa hệ thống nước RO. Mỗi năm, Quốc đến bệnh viện này ít nhất khoảng 2-3 lần để bảo trì, lọc rửa thiết bị. Lần nào cũng làm việc với Trần Văn Sơn – nhân viên phòng vật tư Bệnh viện. Bản thân Quốc cũng cho biết chưa từng học về chuyên ngành lọc nước nhưng đã có kinh nghiệm làm việc 12 năm.
Đến sáng ngày 28/5/2017, bị cáo Quốc đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thay vật liệu lọc RO, tiệt trùng đường ống RO chạy thận và lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Khi đó, công ty của Quốc và công ty Thiên Sơn chưa ký hợp đồng, chỉ có thỏa thuận bằng báo giá hồi tháng 4/2017. Bản thân Quốc cũng khai không biết công ty Thiên Sơn và bệnh viện đa khoa tỉnh ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc RO.
Bị cáo Quốc cho hay vì hôm đó chưa thực hiện xong công việc nên chưa bàn giao trên giấy tờ. Trước khi nghỉ, bị cáo có gọi điện cho Sơn đến khóa cửa, nhắc đã sửa thay thế các vật tư xong và sáng hôm sau (29/5) mới vào lấy mẫu nước.
Tuy nhiên, sáng 29/5, khi Quốc quay lại thì thấy hệ thống máy đã chạy. Bị cáo cho rằng mình không có quyền cho máy chạy hay không, việc đảm bảo chất lượng nước chỉ sau khi xét nghiệm mới có thể kết luận.
Trả lời việc tại sao biết nguồn nước chưa được xét nghiệm có đảm bảo hay không nhưng lại không ngăn cản việc ra y lệnh, Quốc đã thừa nhận đó là lỗi của mình.
“Đó là lỗi tắc trách và chủ quan của bị cáo dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng” – bị cáo Quốc nói.
Bước lên bục xét hỏi ngay sau đó, bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng lời khai của Quốc có một số điểm chưa đúng.
Theo đó, bị cáo Sơn cho biết vào khoảng 9h sáng ngày 28/5, sau khi Quốc gọi điện thông báo đã đến bệnh viện, bị cáo có gọi cho một nhân viên bệnh viện mở cửa cho Quốc để chờ mình đến. Tuy nhiên, khi bị cáo đến thì Quốc đã sửa chữa đường ống rồi. Bị cáo không biết ai đã bàn giao cho Quốc để sửa chữa.
Sơn khai từ khi công tác đến xảy ra sự cố, bị cáo không được ai hướng dẫn hay có văn bản nào bắt buộc phải lấy mẫu nước để đi xét nghiệm, trong báo giá của các lần trước cũng không nói đến điều này, sau khi sửa chữa xong đều đưa vào sử dụng ngay.
“Bị cáo thấy rất có lỗi trong công việc của mình khi đã không có mặt tại đó. Tuy nhiên, để xảy ra hậu quả khiến 8 người tử cong có phải do lỗi của bị cáo hay không thì xin nhờ HĐXX xem xét” – bị cáo Sơn nói.
Là người cuối cùng bị xét hỏi, bị cáo Hoàng Công Lương khai việc quản lý, sửa chữa hỏng hỏng thiết bị thuộc trách nhiệm phòng vật tư. Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ sử dụng máy móc.
“Bản thân bị cáo chỉ làm nhiệm vụ là bác sĩ điều trị, không được giao nhiệm vụ phụ trách, điều hành đơn nguyên thận nhân tạo” – bị cáo Lương nói.
Bị cáo Lương cũng cho rằng không biết quy định sau khi sửa chữa bảo dưỡng phải lấy mẫu nước xét nghiệm. Việc bàn giao là nhiệm vụ của bệnh viện và công ty Thiên Sơn. Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ nhận thiết bị từ phòng vật tư.
Ngoài ra, tại phiên tòa ngày 15/5, luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đồng loạt yêu cầu tòa triệu tập ông Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc bệnh viện tỉnh đến tòa để làm rõ các nội dung liên quan khi ông này đang ở nước ngoài.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng ông Dương đã 2 lần được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc ông này vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử do trước đó đã có lời khai tại cơ quan điều tra.
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa 8 bệnh nhân chạy thận tử vong BVĐK Hòa Bình Bùi Mạnh Quốc bác sĩ Hoàng Công Lương Nguyễn Văn Sơn