WMO cắt ‘đường lưỡi bò’ khỏi bản đồ cảnh báo thời tiết Trung Quốc
- Nguyễn Minh
- •
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đăng lại thông tin về hạn hán kỷ lục tại Trung Quốc kèm bản đồ và đường link liên kết không còn hình ảnh “đường lưỡi bò”. Bài đăng trước đó bị gỡ vào đêm 22/8 do vấp phải phản ứng của Việt Nam về bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” trong vùng Biển Đông.
Theo hiển thị trên tài khoản Facebook World Meteorological Organization, bài đăng cảnh báo về đợt nóng, hạn hán kỷ lục tại Trung Quốc hiển thị vào lúc 00:02 ngày 23/8. Bài đăng vẫn sử dụng bản đồ của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc (National Climate Center – NCC), nhưng cắt phần hình ảnh “đường lưỡi bò” của bản gốc.
Ngoài ra, link liên kết đính kèm đã thay đổi sang bài viết trên trang của WMO, thay thế link trỏ sang bài viết trên trang của Cục Khí tượng Trung Quốc.
Theo tính năng “Xem lịch sử chỉnh sửa” trên Facebook, bài đăng hiện tại có giờ hiển thị đầu tiên vào lúc 00:02 ngày 23/8, tiếp tục được chỉnh sửa thay bản đồ đã cắt “đường lưỡi bò”, thay link liên kết. Lần sửa cuối được ghi nhận vào lúc 15:43 ngày 25/8 với bản đồ và link liên kết không còn “đường lưỡi bò”.
Thông tin WMO sử dụng bản đồ Trung Quốc có hình ảnh “đường lưỡi bò” được TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai phản ánh trên Facebook cá nhân vào đêm 22/8.
“Đường lưỡi bò là bản đồ do Trung Quốc tự vẽ ra để chiếm phần quản lý hải phận và không phận không chỉ riêng của các quốc gia láng giềng mà cả các quốc gia khác sử dụng không phận và hải phận trên biển Đông. Trong khi đó WMO là một tổ chức của Liên Hợp Quốc, nơi đại diện cho tiếng nói của các quốc gia thành viên. WMO không nên tạo ra tiền lệ xấu về vấn đề này.” – ông Huy nêu quan điểm.
Một người dùng mạng cho hay vào lúc 23:48, Facebook thông báo bài đăng trên của WMO đã bị gỡ, sau khi nhận nhiều biểu tượng “tức giận” và bình luận phản đối bản đồ “đường lưỡi bò”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra phát ngôn về sự việc gần 2 ngày sau đó. Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 25/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trang Facebook của WMO sử dụng bản đồ của Trung Quốc với đường “lưỡi bò”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay “Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn”, cũng như các yêu sách biển trái với các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định những nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vô giá trị.
Người phát ngôn cho biết đại diện phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thuỵ Sỹ) đã trao đổi với đại diện WMO về bài đăng nói trên.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có trụ sở đặt tại Geneve là một tổ chức liên chính phủ với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên. WMO có tiền thân là Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO) thành lập năm 1873.
Năm 1950, WMO được thành lập, một năm sau trở thành một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc về khí tượng (thời tiết và khí hậu, thủy văn vận hành) và các khoa học địa vật lý liên quan.
WMO hiện có 189 quốc gia thành viên, 6 tổ chức khu vực tại châu Phi, châu Á, Nam Mỹ, Bắc và Trung Mỹ, Tây Nam Thái Bình Dương và châu Âu.
Từ khóa đường lưỡi bò Tổ chức Khí tượng Thế giới