Trong khoảng một năm trở lại đây, một số công ty bất động sản đã tiết lộ quy mô nợ của chính quyền địa phương của Trung Quốc đã lên tới từ 1 tỷ đến 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 triệu – 274 triệu USD), khiến tính thanh khoản của các công ty bất động sản và áp lực giao bất động sản ngày càng tăng.

shutterstock 1105557335
Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 14/4/2018 (Ảnh minh họa: MyCreative / Shutterstock)

Nhiều công ty bất động sản vừa và nhỏ gặp khó khăn về tài chính, họ đang đấu tranh để có thêm quyền tự chủ về giá và yêu cầu nới lỏng lệnh giới hạn giá.

Theo báo cáo từ Mạng lưới quan sát kinh tế Trung Quốc, nguồn tin từ một số công ty bất động sản tư nhân ở Trung Quốc tiết lộ, Trịnh Châu, Thiên Tân và các nơi khác đã yêu cầu tất cả chính quyền quận và huyện thu thập thông tin chi tiết về các khoản nợ đọng đối với các công ty bất động sản tư nhân.

Theo báo cáo, giám đốc khu vực của một số doanh nghiệp nhà ở tư nhân cho biết, khoản nợ của chính quyền thành phố nơi họ đặt trụ sở dao động từ 1- 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 triệu – 274 triệu USD), chủ yếu bao gồm tiền hoàn lại phí chuyển nhượng đất đã hứa, giảm thuế tăng giá đất, tiền đặt cọc xây dựng nhà ở tái định cư và tiền tạm ứng cho việc bố trí đất cấp một.

Ông Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), chuyên gia kinh tế tại Hoa Kỳ, chỉ ra rằng chính quyền địa phương Trung Quốc giao đất cho các công ty bất động sản phát triển. Đổi lại, các công ty bất động sản phải thực hiện nhiều dự án phát triển cộng đồng như rải đường, làm đường ống ngầm…, vốn thuộc chức trách của chính quyền địa phương. Nhưng hiện tại chính quyền địa phương không có tiền và đang vỡ nợ.

Ông cho biết: “Các công ty bất động sản không có tiền thì không thể xây dựng nhà ở. Hy vọng chính quyền địa phương sẽ trả hết nợ và bảo lãnh bàn giao nhà. Tuy nhiên, nợ của chính quyền địa phương có thể trở thành nợ xấu. Nợ xấu sẽ ảnh hưởng mọi phương diện. Những nhà đầu tư thượng nguồn như sắt thép, xi măng… và các nhà thầu hạ nguồn như trang trí… kết nối với công ty bất động sản đều có thể bị nợ xấu.”

Mối quan hệ cộng sinh giữa chính quyền địa phương và các công ty bất động sản gặp vấn đề sau khi giá nhà đất liên tục giảm. Theo phân tích của ông Tư Lệnh, một học giả tài chính, suy thoái kinh tế khiến chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều hơn vào tài chính đất đai, mới có thể chi trả các khoản chi tiêu khổng lồ của chính quyền địa phương.

Một số chính quyền địa phương đã lén lút sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng. Mặc dù đã đưa ra lộ trình cho các công ty bất động sản, nhưng thủ tục chuyển đổi đất xây dựng còn rườm rà, thậm chí có thể không được thông qua.

Chính quyền địa phương yêu cầu các công ty bất động sản phải trả trước. Điều này cũng khiến các công ty bất động sản phải gánh nợ.

“Đất đã được niêm yết chuyển nhượng nhưng thủ tục bàn giao vẫn chưa hoàn tất. Trên thực tế, không biết khi nào thủ tục bàn giao mới được hoàn tất. Điều này sẽ làm chậm thời gian các công ty bất động sản thực sự nhận được đất, dẫn đến nợ xấu của các công ty bất động sản Trung Quốc.”

Nền kinh tế dựa vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc rơi vào thế bị động

The Wall Street Journal dẫn lời các nhà kinh tế ước tính rằng Trung Quốc hiện cần đầu tư khoảng 9 USD để đạt được mức tăng trưởng GDP 1 USD, so với mức đầu tư dưới 5 USD cách đây 10 năm.

Chính quyền địa phương của Trung Quốc muốn tiếp tục dựa vào vay nợ và xây dựng để kích thích nền kinh tế. Nhưng theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng nợ của Trung Quốc (gồm chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước) đã tăng lên gần 300% GDP vào năm 2022.

“Điều quan trọng là do đầu tư vào một lĩnh vực bong bóng không lành mạnh và có rủi ro cao. Tiền không được chi tiêu một cách khôn ngoan và chất lượng đầu tư kém chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm ngành bất động sản vốn đã bị bong bóng hóa (tức tình trạng giá hàng hóa hoặc tài sản nào đó cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của chúng),” ông Tư Lệnh cho biết.

Doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ gặp khó khăn về vốn, nỗ lực tự chủ về giá

Truyền thông nhà nước Trung Quốc “Securities Times” chỉ ra rằng gần đây, một số công ty bất động sản đã gặp khó khăn trong hoạt động và rủi ro nợ nần đã bộc lộ. Hiện nay, quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản đã thay đổi. Việc buôn bán của các công ty bất động sản bị cản trở, hoạt động khó khăn.

Trong trường hợp nguồn tài chính kém, các công ty bất động sản vừa và nhỏ chỉ có thể dựa vào tiền bán bất động sản để hồi sinh dòng tiền của họ, và cần quyền tự chủ về giá nhiều hơn.

Ông Trình Hiểu Nông cho rằng dù có nới lỏng “lệnh giới hạn rớt giá” cũng không ích gì. Bất động sản Trung Quốc hiện đang trong tình trạng trì trệ, không có người mua.

Ở Trung Quốc bình quân mỗi hộ gia đình có 1,3 căn nhà, tỷ lệ người dân không có nhà ở riêng rất nhỏ. Hầu hết người mua nhà đều đầu cơ bất động sản và coi đây là một món đầu tư.

“Hiện giá nhà đang giảm, nhà đã bàn giao nhưng giá nhà vẫn giảm. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư thua lỗ ngay từ đầu, người đầu cơ bất động sản sẽ không tham gia thị trường. Họ mua vì đợi giá lên, không phải mua để chờ giá xuống.”

Ngân hàng Trung Quốc đầy rẫy nợ xấu

Một phóng viên của Hiệp hội Tài chính Trung Quốc nhận thấy, lãi suất cho vay kinh doanh của một số ngân hàng ở Quảng Châu và Thâm Quyến đạt mức thấp mới là 2,9%. Mức giá này cũng thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng cùng kỳ, điều này thể hiện một sự “đảo ngược”.

Báo cáo dẫn lời Tiết Hồng Ngôn, Phó giám đốc Viện nghiên cứu tài chính Xingtu (Tinh Đồ), cho biết: “Dữ liệu tài chính tháng 7 cho thấy, nhu cầu tài chính của nền kinh tế thực hiện đang yếu, tài sản cho vay chất lượng cao đang khan hiếm; làm tăng áp lực cho vay của ngân hàng.”

“Ngân hàng muốn tồn tại, dù thua lỗ cũng phải giải ngân khoản vay và kiếm một ít tiền. Nếu không, gửi tiền vào ngân hàng đồng nghĩa với việc ngày nào cũng mất tiền”. Ông Trình Hiểu Nông phân tích, người Trung Quốc hiện đang hoạt động theo chiều hướng ngược lại, thích trả trước các khoản thế chấp và không muốn vay tiền.

Tuy nhiên, ông không cho rằng một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống sẽ nổ ra ở Trung Quốc. Bởi thị trường sẽ chỉ phản ứng nhanh chóng nếu có nền kinh tế thị trường thực sự.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chính sách khác nhau để ngăn chặn hoặc kiềm chế tốc độ giảm giá nhà đất, bất động sản chỉ có thể giảm dần, không thể rớt ngay lập tức.

Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố khoản vay ngân hàng mới trong tháng 7 là 345,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 47,5 tỷ USD), giảm mạnh 89% so với tháng 7 và thấp hơn đáng kể so với mức 679 tỷ nhân dân tệ (khoảng 93,2 tỷ USD) cùng kỳ năm ngoái. Đây là khối lượng cho vay mới thấp nhất kể từ tháng 11/2009.