Chuyên gia WHO: Làn sóng COVID-19 tại TQ là ẩn số trong việc loại bỏ tình trạng khẩn cấp
- Tố Vy
- •
Một số nhà khoa học nổi tiếng và cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với Reuters rằng hiện nay tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 có thể còn quá sớm, vì minh chứng là Trung Quốc đang diễn ra làn sóng lây nhiễm chết chóc tàn khốc.
Thay đổi trong quan điểm này của giới chuyên môn là vì chứng kiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu rút lại chính sách ‘Zero COVID’ vào tuần trước sau quá trình gia tăng các ca nhiễm, và đi cùng là các cuộc biểu tình quyết liệt của công chúng phản đối ‘Zero COVID’. Các dự báo cho rằng năm tới, Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm và hơn 1 triệu ca tử vong trong bối cảnh ĐCSTQ đột ngột thay đổi hướng phòng dịch.
Do chính sách ‘Zero COVID’ của ĐCSTQ đã kéo dài được 3 năm khiến mọi người dân Trung Quốc ngày càng lo ngại về tác động của chính sách này đối với cuộc sống của họ và thiệt hại của nền kinh tế đất nước, [thậm chí] năm nay WHO còn nhận định ‘Zero COVID’ là “không thể duy trì”, nhưng giới chuyên gia lại có quan điểm cho rằng động thái của ông Tập tuần trước đã thay đổi cục diện đại dịch toàn cầu.
Ẩn số về làn sóng lây nhiễm sắp tới của Trung Quốc
“Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể xem [hiện nay] là giai đoạn hậu đại dịch hay không, khi một vùng quan trọng như vậy của thế giới [Trung Quốc Đại Lục] đang thực sự bước vào làn sóng [lây nhiễm] thứ hai”, nhà virus học Marion Koopmans của Hà Lan nói với Reuters. “Rõ ràng là chúng ta đang ở giai đoạn một giai đoạn (đại dịch) rất khác, nhưng theo quan điểm của tôi thì làn sóng dịch COVID-19 sắp tới ở Trung Quốc là ẩn số”.
Ông Koopmans là thành viên của ủy ban thuộc WHO phụ trách tư vấn về trường hợp khẩn cấp COVID.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hồi tháng 9 rằng đại dịch “sắp kết thúc”, tuần trước ông còn nói với các phóng viên ở Geneva rằng ông “hy vọng” sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào năm tới.
Hầu hết các nước đã dỡ bỏ các hạn chế về COVID, vì nửa cuối năm nay đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm hoặc sự gia tăng lớn các ca nhiễm COVID-19 đã gần như không còn.
Khoảng nửa cuối tháng 1 năm sau, Koopmans và các thành viên ủy ban cố vấn khác của WHO sẽ đưa ra khuyến nghị về Tình trạng Khẩn cấp Y tế Cộng đồng Quốc tế (PHEIC) để ông Tedros đưa ra quyết định cuối cùng.
Tình trạng PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh và nó giúp các tổ chức quốc tế ưu tiên tài trợ và viện trợ cho nghiên cứu, vắc-xin và phương pháp điều trị.
Nguy cơ đột biến của virus COVID
Ngoài những rủi ro mà Trung Quốc phải đối mặt, một số dữ liệu y tế toàn cầu cũng cảnh báo rằng việc [ĐCSTQ] cho phép virus COVID lây lan trong nước, cũng có thể tạo cơ hội cho nó biến đổi gây tiềm ẩn nguy cơ có các biến thể mới nguy hiểm.
Hiện nay dữ liệu được nhà chức trách Trung Quốc chia sẻ với WHO và cơ sở dữ liệu virus GISAID cho thấy, biến thể lưu hành ở Trung Quốc là biến thể Omicron thống trị toàn cầu và các nhánh của nó, nhưng do thiếu dữ liệu đầy đủ nên tình hình bức tranh biến thể virus còn những lỗ hổng.
Giới chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc cần giúp đỡ thì nên tập trung vào việc giúp Trung Quốc vượt qua giai đoạn tăng vọt ca nhiễm COVID-19 hiện nay, trọng tâm là tăng cường tiêm vắc-xin (đặc biệt là các liều nhắc lại) cho những nhóm người dễ bị tổn thương với tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Chuyên gia David Heymann về bệnh truyền nhiễm là cố vấn của WHO cho biết, “Tôi không nghĩ ai đó có thể dự đoán chắc chắn về khả năng có những biến thể mới của COVID-19 gây lo ngại ở những nơi khác trên thế giới hay không, nhưng rõ ràng là nếu nhiều người (Trung Quốc) mắc bệnh và chết, thì thế giới cũng nên lo lắng”.
Ông nói thêm rằng tình hình ở Trung Quốc có thể tiếp tục là một trường hợp khẩn cấp, nhưng trường hợp đó cũng có thể chỉ là vấn đề khu vực hơn là toàn cầu. Các nước thành viên của WHO hiện đang cùng làm việc để xây dựng lại bộ quy tắc quản lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu nhằm xử lý các vấn đề như vậy.
Ông David Heymann cũng nằm trong ủy ban độc lập của Koopmans.
Rủi ro lớn tiềm ẩn khi Omicron lan rộng đến các thành phố nhỏ và vùng nông thôn Trung Quốc
Bloomberg chỉ ra hầu hết các nhà phân tích trong cân nhắc tình hình lợi hại, đã dự đoán việc loại bỏ ‘Zero COVID’ sẽ diễn ra dần dần. Vì lẽ gì lãnh đạo Tập Cận Bình ngay lập tức bỏ ‘Zero COVID’? Đây có lẽ là chỗ bất minh mà vĩnh viễn người ngoài không thể biết được.
Ngoài vấn đề tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi, Trung Quốc cũng đang bước vào những tháng lạnh nhất trong năm, khiến các bệnh về đường hô hấp có nhiều khả năng lây lan hơn, khi mọi người dành nhiều thời gian hơn trong nhà.
Điều này cũng khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc khó khăn hơn để chuẩn bị. Dựa trên mô hình lây lan của Omicron ở Mỹ và châu Âu, nhà phân tích dược phẩm của Bloomberg là Sam Fazeli ước tính trong 6 tháng đầu tiên mở cửa trở lại thì mỗi ngày Trung Quốc có thể hứng chịu 32.000 bệnh nhân chăm sóc đặc biệt, điều này sẽ là vấn đề rất nan giải cho các bệnh viện Trung Quốc.
Một nguyên nhân khác gây lo ngại là cho đến nay các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc tập trung tại các thành phố lớn nhất nước này, là nơi cũng có những bệnh viện tốt nhất. Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics (một công ty tư vấn kinh tế và tài chính độc lập nổi tiếng), ông Duncan Wrigley nói với Bloomberg rằng khi Omicron lan rộng đến các thành phố nhỏ hơn và khu vực nông thôn của Trung Quốc thì khả năng “rủi ro lớn” sẽ xuất hiện. Ông nói: “Chúng ta có thể thấy áp dụng trở lại ở một số khu vực biện pháp phong tỏa trên diện rộng để hạn chế số ca bệnh và phòng tránh hệ thống bệnh viện bị quá tải”.
Từ khóa WHO viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc