Điểm thú vị trong bài báo chỉ trích dữ dội Alibaba của truyền thông ĐCSTQ
- Lý Chính Hâm
- •
Tập đoàn Alibaba ngoài việc bị chính quyền “chỉnh đốn” và phạt số tiền kỷ lục, giờ lại thêm đơn tố cáo quấy rối tình dục của nữ nhân viên mà lần nữa rơi vào vòng xoáy dư luận. Kênh truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Nhân dân Nhật báo đe dọa “Chớ mơ tưởng rằng to lớn thì không bị sụp đổ”. Tuy nhiên, phân tích chỉ ra rằng phần cuối của bài báo còn thú vị hơn với nét tương đồng liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc.
Gần đây, tờ đơn tố cáo dài 11 trang của một nữ nhân viên Tập đoàn Alibaba đã được đăng tải trên Internet và được nhiều nền tảng mạng xã hội lan truyền rộng rãi. Đơn tố cáo trình bày, vào ngày 27/7, trong chuyến công tác tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, cô bị trưởng nhóm của mình là Vương Thành Văn (Wang Chengwen) yêu cầu dùng bữa tối với khách hàng sau cuộc họp. Cô cho biết mình “không dám từ chối và không thể từ chối” bị ép nâng ly nhiều lần tại bàn rượu, sau đó cô say bất tỉnh.
Theo bản tường thuật này, một khách hàng đã động chạm thân thể cô ngay tại bàn rượu, nhưng phản ứng của sếp cô lúc đó là “mặc kệ, để làm gì tùy thích”. Theo video thu được từ camera an ninh, sau khi tiệc tàn, sếp của cô đã lén lấy chìa khóa phòng riêng của cô và nhiều lần lẻn vào trong đêm. Cô thức dậy trong tình trạng khỏa thân trên giường vào sáng hôm sau, hoàn toàn không nhớ gì về những gì đã xảy ra vào đêm hôm trước.
Sau đó, Weibo nổi tiếng Triệu Hoành Dân (Zhao Hongmin) đã đăng một số ảnh chụp màn hình các bài đăng trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc, khiến sự việc nhanh chóng trở thành chủ đề tìm kiếm nóng.
Vào sáng sớm ngày 8/8, ông Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba, đã đăng một phản hồi trên mạng nội bộ, cho biết sẽ đưa ra lời giải thích cho tất cả nhân viên Alibaba và toàn xã hội.
Vào ngày 9/8, Tập đoàn Alibaba tuyên bố sẽ sa thải nhân viên bị cáo buộc, và những nhân viên quản lý cấp cao có liên quan cũng sẽ phải từ chức hoặc bị áp dụng các biện pháp trừng phạt nội bộ.
Nhưng tờ Nhân dân Nhật báo lại đăng tải một bài báo mắng mỏ Tập đoàn Alibaba: Sự thờ ơ của tập đoàn này sau thảm kịch tấn công tình dục là vô cảm, “tam quan nát bét” (tam quan là chỉ thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan), giữa cuộc rượu không hề có ai giúp đỡ, báo cáo nội bộ bị phớt lờ, lãnh đạo các cấp thờ ơ. Đã thành thói quen như vậy rồi, chẳng có gì lạ, thật đúng là làm cho người ta mở rộng tầm mắt về Alibaba.
Theo bài đăng của Nhân dân Nhật báo thì: Sau khi vụ tấn công tình dục, người đồng nghiệp kia vẫn đi làm bình thường như không có chuyện gì xảy ra, khiến nữ nhân viên buộc phải phát tờ rơi trong nhà ăn của trụ sở để cầu xin sự giúp đỡ, đổi lại chỉ nhận được sự thơ ơ của các cấp quản lý máu lạnh, trên bất chính thì dưới sao không loạn. Nếu như điều nữ nhân viên tố cáo là thật thì đây không còn là “Alibaba” nữa, mà là “40 tên cướp”.
Bài báo viết rằng chống độc quyền sẵn là quốc sách từ trước, nếu ai đó muốn thông qua “thủ đoạn quan hệ xã hội” để xóa các bài viết và đè ép tìm kiếm nóng, vậy thì thế nào cũng sẽ là “thông minh quá mà bị thông minh hại”.
Trước đó, vào ngày 10/4, các Cục Quản lý nhà nước về giám sát thị trường và quản lý của Trung Quốc đã ban hành một thông báo mức phạt tiền kỷ lục 18,228 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 2,8 tỷ USD) đối với Alibaba về việc vi phạm luật chống độc quyền.
Cuối bài đăng của báo đảng Nhân dân Nhật báo viết: Cưỡi lên đầu nhân dân thì chỉ có thể bị nhân dân ném gãy. Kẻ nào phản bội nhân dân thì cuối cùng sẽ bị nhân dân ruồng bỏ. Vụ việc Vương Thành Văn một lần nữa đưa ra lời cảnh báo nặng nề cho “Ali” rằng khi một gã khổng lồ xúc phạm công bằng xã hội, thì không cần một người khổng lồ khác đến thương chiến, chỉ cần một người dân thì đã có thể đánh bại bạn. Hiện tại, Alibaba cần lập tức làm một cải cách lớn, khí hủ sinh cơ, phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới, mới có thể nhanh chóng tẩy sạch căn bệnh kéo dài. Chớ mơ tưởng rằng to lớn thì không bị sụp đổ, quy luật tự nhiên nói với chúng ta rằng “nhất kinh lạc, vạn vật sinh” (cá voi chết làm thức ăn cho vạn vật sinh sôi).
Nhà bình luận Đường Tân Nguyên (Tang Xinyuan) của Vision Times chỉ ra rằng, nếu nhân vật chính của một bài báo trên phương tiện truyền thông đảng không phải là Alibaba mà được thay thế bằng ĐCSTQ, thì điều đó càng chứa đựng ý vị thâm sâu hơn. ĐCSTQ đã đầu độc Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, bắt cóc nền kinh tế Trung Quốc, và cưỡi lên đầu người dân mà làm mưa làm gió. “Trung Quốc cần lập tức làm một cải cách lớn, khí hủ sinh cơ, phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới, mới có thể nhanh chóng tẩy sạch căn bệnh kéo dài.”
Tờ Storm Media của Đài Loan trước đó đã đăng bài viết “Trung Quốc sẽ đi về đâu sau khi ĐCSTQ bị hạ bệ”, tác giả Lữ Chính Lý (Lu Zhengli) tin rằng cả trong ngoài nước từ trước tới nay chưa từng có một triều đại hay quốc gia nào mà không bao giờ diệt vong. Mặc dù có hàng ngàn lý do khác nhau dẫn đến sự diệt vong của một triều đại hay một quốc gia, nhưng chung quy lại vẫn là 3 lý do căn bản – đó là tham nhũng chính trị, chia rẽ nội bộ và nạn ngoại xâm.
Trước đây, chỉ có một lý do căn bản để dẫn đến sự sụp đổ của chế độ ĐCSTQ, đó là tham nhũng chính trị. Nhưng những năm gần đây, các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ ngày càng trở nên gay gắt, sự chia rẽ ngày càng rõ ràng. Còn về nạn ngoại xâm, vấn đề của ĐCSTQ không phải là một nước ngoài sẽ xâm lược Trung Quốc, mà bởi vì việc ĐCSTQ hành động kiểu “sói chiến”, coi thường “trật tự quốc tế” trong những năm gần đây đã khiến Cộng đồng quốc tế vô cùng bất mãn, từ đó hình thành Liên minh quốc tế chống lại ĐCSTQ, sự kiện này cũng sẽ tạo nên ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Lý Chính Hâm, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Alibaba