Điều các quan chức ĐCSTQ lo lắng nhất: Tài sản ở nước ngoài biến mất
- Miêu Vi
- •
Hưởng ứng các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga, quốc gia trung lập Thụy Sĩ đã đóng băng hơn 8 tỷ USD tài sản của Nga tại nước này. Điều đó cũng khiến các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo lắng về số tiền khổng lồ được cất giấu ở nước ngoài.
Các quan chức Mỹ kêu gọi Bắc Kinh hãy rút ra bài học từ cuộc chiến Nga-Ukraine, rằng họ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm khắc nếu nước này xâm phạm Đài Loan bằng vũ lực.
Ngày 7/4, quan chức Chính phủ Thụy Sĩ, ông Erwin Bollinger, cho biết để trừng phạt Moscow vì hành động xâm lược Ukraine, đến nay Thụy Sĩ đã đóng băng khoảng 7,5 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương với 8 tỷ USD tiền và tài sản của Nga.
Ngày 24/2, Nga trắng trợn xâm lược Ukraine, gây chấn động thế giới và dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và các đồng minh, gồm việc trục xuất một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga.
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm dấy lên một làn sóng dân tộc chủ nghĩa điên cuồng trên mạng Internet của Trung Quốc. Trong khi những lời chỉ trích đối với ông Putin đã bị ĐCSTQ nghiêm cấm, các bài phát biểu ủng hộ tấn công Đài Loan vẫn không bị chặn.
Hoa Kỳ cảnh báo ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nếu xâm lược Đài Loan
Nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan bằng vũ lực, sự cô lập quốc tế mà họ phải đối mặt có thể còn nghiêm trọng hơn việc Nga xâm lược Ukraine. ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với các biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất.
Theo báo cáo của VOA ngày 7/4, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Wendy Sherman, nói trước Quốc hội vào ngày 6/4 rằng bà hy vọng Bắc Kinh sẽ học được những bài học đúng đắn từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và hiểu rằng bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào vào Đài Loan cũng sẽ dẫn đến phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet Yellen, cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị “vận dụng mọi công cụ trừng phạt” nhằm áp đặt các biện pháp chế tài đối với Trung Quốc, nếu nước này xâm lược Đài Loan, giống như khi Mỹ và các nước đồng minh tung ra lệnh trừng phạt chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Đồng thời, Nghị sĩ Hoa Kỳ Lucas cũng đã đề xuất “Đạo luật Loại trừ Trung Quốc”, nhằm loại bỏ nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế, nếu ĐCSTQ gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh hoặc hệ thống kinh tế và xã hội của Đài Loan.
Ông Lucas đã chỉ ra trong một tuyên bố ngày 6/4 rằng thách thức thời đại lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt là mối đe dọa về kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia từ ĐCSTQ; đồng thời nhằm ngăn ĐCSTQ bắt chước cuộc xâm lược của Nga, Quốc hội nên thực hiện các biện pháp cần thiết. Nếu Bắc Kinh đe dọa hệ thống an ninh, xã hội hoặc kinh tế của người dân Đài Loan, ĐCSTQ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc.
Ông nói rằng ĐCSTQ đã sử dụng ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của mình, nhằm cố gắng định hình lại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nên không được bỏ qua sự đe dọa và các hoạt động ngày càng gia tăng này. “Đạo luật loại trừ Trung Quốc” gửi một tín hiệu đến Bắc Kinh rằng nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, họ sẽ phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm từ nền kinh tế và tài chính.
SCMP đưa tin, điều khiến ĐCSTQ lo lắng là tài sản ở nước ngoài của họ có nguy cơ biến mất, nếu nước này cũng vướng phải các lệnh trừng phạt tương tự như đối với Nga.
Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù Trung Quốc không tiết lộ địa điểm gửi doanh thu ngoại thương của họ, nhưng phần lớn chúng được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ. Theo số liệu từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ, vào tháng Một năm nay, trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ do ĐCSTQ nắm giữ trị giá 1.060 tỷ USD và là nước nắm giữ lớn thứ 2 sau Nhật Bản.
Cách đây vài ngày, ông Vương Vĩnh Lợi (Yongli Wang), cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã công bố một báo cáo chỉ ra rằng dự trữ ngoại hối của ĐCSTQ chủ yếu là đồng tiền của các nước phát triển như đô la Mỹ và đồng euro, và hầu hết chúng được gửi ở Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước khác.
Điều này có nghĩa là một khi mối quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu tan vỡ, an ninh của kho dự trữ ngoại hối của ĐCSTQ sẽ bị đe dọa rất lớn.
Các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cũng thừa nhận rằng ĐCSTQ khá lo ngại về mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và các lệnh trừng phạt có thể phát sinh từ hoạt động thương mại với Nga, và lằn ranh đỏ là việc buôn bán vũ khí.
Số tiền được các gia tộc quyền thế cất giấu ở nước ngoài là bí mật hàng đầu của ĐCSTQ
Ở Trung Quốc, mặc dù việc các chức sắc của ĐCSTQ giấu khối tài sản khổng lồ của họ ở các trung tâm tài chính nước ngoài như Thụy Sĩ không còn là điều bí mật, nhưng số lượng chính xác tài sản của họ ở nước ngoài vẫn là một bí mật hàng đầu.
Rốt cuộc các chức sắc của ĐCSTQ đã chuyển sang Thụy Sĩ bao nhiêu tài sản?
Giáo sư Giả Khang (Kang Jia), Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, kiêm nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính của Bộ Tài chính, từng chuyển một thông điệp từ “OZABC” (Lân Lân thuyết Tài chính), cho biết: Ngân hàng Thụy Sĩ thông báo rằng 100 khoản tiền gửi của người Trung Quốc tại các ngân hàng Thụy Sĩ đạt tổng giá trị 7.800 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 1.224 tỷ USD), với số tiền gửi trung bình là 78 tỷ NDT / người (khoảng 12 tỷ USD).
Vài năm trước, Wikileaks tiết lộ rằng các quan chức cấp cao của Trung Quốc có khoảng 5.000 tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ, và gần 70% trong số đó là quan chức cấp trung ương.
Năm 2019, ông Quách Văn Quý, một tỷ phú Đại Lục sống lưu vong ở Hoa Kỳ, đã công bố thông tin rằng cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành có tài sản ít nhất trị giá 500 tỷ USD và khối tài sản ở nước ngoài do gia tộc Giang Trạch Dân kiểm soát ít nhất là 1.000 tỷ USD.
Có hàng ngàn doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, tập đoàn và công ty do gia tộc họ Giang kiểm soát, và rửa tiền ở nước ngoài, trị giá 500 tỷ USD thông qua một loạt các phương tiện như sở hữu nhà nước, hóa đơn tài chính, tổ chức tài chính, bảo lãnh giá trị lớn và đặc quyền, các quỹ. Các khoản tiền đã được chuyển đi khắp nơi, gồm việc đầu tư vào một số quỹ và công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ.
Nhà kinh tế tổng hợp Đài Loan Ngô Gia Long từng đăng trên Facebook rằng Hoa Kỳ và Châu Âu gây áp lực lên các ngân hàng Thụy Sĩ, nhằm điều tra hành vi rửa tiền và trốn thuế. Kết quả là Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận chia sẻ thông tin ngân hàng.
Do đó, khối tài sản được các quan chức cấp cao Trung Quốc giấu ở Thụy Sĩ có thể bị lộ, hoặc thậm chí bị đóng băng. Giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ có thể sẽ đổ lỗi cho ông Tập Cận Bình về những điều này.
Trong bài viết này, ông Ngô Gia Long cũng đề cập đến việc ông Tập nên đề phòng 2 cuộc đảo chính lớn trong năm 2022. Một là đề phòng nguy cơ bị ám sát. Dù sao kể từ khi ông Tập lên nắm quyền 10 năm, đã có báo cáo về việc ông Tập nhiều lần suýt bị ám sát. Hai là phải cẩn thận về việc kẻ thù chính trị lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, lập kế hoạch đảo chính tài chính.
Từ khóa Dòng sự kiện Ngân hàng Thụy Sĩ Trung Quốc tấn công Đài Loan Mỹ trừng phạt Nga Nga xâm lược Ukraine