Hồng Kông kỷ niệm 28 năm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989
- Hồng Ngọc
- •
Nhân kỷ niệm 28 năm vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh, hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ ngày 4/6/1989, Chủ Nhật ngày 28/5 vừa qua, hàng trăm người Hồng Kông đã xuống đường diễu hành, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cải thiện tình hình nhân quyền.
Ban tổ chức cuộc diễu hành và những người tham gia cho biết, đối với sự việc diễn ra vào ngày 4/6/1989 tại quảng trường Thiên An Môn, chính quyền Bắc Kinh nên thừa nhận và đứng ra chịu trách nhiệm. Ngày 4/6 của 28 năm trước, xe tăng đã tiến vào Thiên An Môn để giải tán cuộc vận động dân chủ của học sinh sinh viên, khiến cho rất nhiều người tử nạn hoặc thương tật.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Phó Chủ tịch Liên minh Hồng Kông ông Thái Diệu Xương (Cai Yaochang) cho biết: “Chúng tôi tin rằng, chúng tôi vẫn có trách nhiệm phải yêu cầu chính nghĩa. Thứ nữa, Hồng Kông hiện tại vẫn là một phần của Trung Quốc. Người Hồng Kông tin rằng cơ cấu chính trị của Trung Quốc cần phải cải biến, thì mới có thể bảo vệ tự do và nhân quyền ở Hồng Kông.”
Hồng Kông hiện là địa phương duy nhất của Trung Quốc có thể tiến hành kỷ niệm sự kiện Lục Tứ. Theo hiệp nghị trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc thì Hồng Kông vẫn phải được tiếp tục hưởng tự do. Còn Trung Quốc Đại Lục là một bức tranh hoàn toàn tương phản, chỉ cần thảo luận đến “ngày 4 tháng 6 năm 89” đã là chuyện cấm kỵ, chính quyền Bắc Kinh 28 năm trước thậm chí còn gọi cuộc vận động dân chủ này là “bạo loạn phản cách mạng”.
Sau sự kiện Lục Tứ, hàng năm nhiều nơi trên thế giới đã tiến hành tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát. Ban tổ chức hoạt động và những người tham gia cũng thường thể hiện thái độ phản đối việc chính quyền Bắc Kinh phong tỏa sự kiện này, và yêu cầu phía Chính phủ Trung Quốc phải đối diện với sự thật. Lần đầu tiên hoạt động kỷ niệm được tổ chức tại Hồng Kông là vào năm 1990, lúc đó ước tính có khoảng 100.000 người tham gia. 28 năm sau sự kiện Lục Tứ, cho đến hôm nay, đây vẫn còn là một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc Đại Lục. Người dân Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao đều có thành viên tham gia phong trào vận động dân chủ của học sinh yêu nước năm đó. Nhưng hiện chỉ có Hồng Kông là địa khu duy nhất ở châu Á -Thái Bình Dương tiến hành hoạt động kỷ niệm sự kiện này với quy mô lớn.
Nhà hoạt động Thái Thục Phương (Caishu Fang) khi tham gia kháng nghị cho hay: “Trung Quốc luôn cố áp chế quyền lợi của nhân dân, cho nên người dân không biết đến nội tình chân thực của sự kiện Lục Tứ, Hồng Kông dần dần cũng có khả năng bị cấm. Do vậy tôi cho rằng, nếu như chúng ta hiện nay có thể kỷ niệm sự kiện Lục Tứ, thì chúng ta nên đứng ra làm.”
Trong khi đó, ngày 27/5 vừa qua, ông Trương Đức Giang tại buổi tọa đàm 20 năm về vấn đề thực thi pháp luật cơ bản của Hồng Kông, tuyên bố Bắc Kinh có quyền quản lý toàn diện Hồng Kông, nói thêm rằng quan hệ quyền lực giữa Trung Quốc-Hồng Kông là “trao quyền và được trao quyền” chứ không phải là “phân quyền”, tuyệt đối sẽ không dễ dàng để cho các phong trào đòi quyền tự chủ đối kháng với chính quyền Bắc Kinh xuất hiện tại Hồng Kông.
Ông Trương Đức Giang nhấn mạnh, Hồng Kông cần phải thực hành theo lệnh của trưởng đặc khu hành chính chứ không phải là “tam quyền phân lập”. Nhân sĩ các phái dân chủ cực lực phản bác việc ông Trương Đức giang muốn biến “tam quyền phân lập” thành “nhất quyền độc đại”, thực tế chính là muốn toàn quyền quản lý Hồng Kông, thu hẹp tự chủ ở Hồng Kông.
Ông Trương Đức Giang còn nhấn mạnh, trung ương xem xét tình huống thực tế và luật pháp cơ bản ở Hồng Kông, sau đó sẽ từng bước dần dần thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông, ủng hộ “xử lý các hoạt động chiếm trung tâm phi pháp theo pháp luật”, tuyệt đối sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước việc tự quyết lãnh thổ và độc lập của Hồng Kông.
Từ điều này mà nhìn nhận, thì việc người dân Hồng Kông lo lắng là đúng. Tình hình chính trị Trung Quốc nếu không cải biến, thì Hồng Kông nhiều khả năng sẽ phải gặp không ít rắc rối. Xét đến thái độ của Đại Lục với sự liện Lục Tứ mà nói, việc Hồng Kông tổ chức kỷ niệm này, cũng sẽ phải chịu can nhiễu từ phía Đại Lục.
Ông Hoàng, một người tham gia kháng nghị cho biết: “Ngày 4/6/1989, xe tăng quân sự thản nhiên tiến thẳng vào cán người. Mặc dù họ không dùng xe tăng để cán nát quyền lợi xã hội công dân của Trung Quốc Đại Lục, nhưng các loại áp lực cao độ suốt 28 năm qua cho đến nay vẫn chưa từng dừng lại. Do vậy, chúng tôi ở đây muốn nói cho mọi người rằng, ngày nào còn có xe tăng phía quân đội làm hậu thuẫn, thì ngày đó áp chế vẫn không thể dừng lại được.”
Theo đà này, sự phản pháo của người dân Hồng Kông cũng ngày càng lớn hơn. Ông Hồ Chí Vỹ, Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông cực kỳ phản cảm với những phát biểu của ông Trương Đức Giang hôm 27/5. Ông Hồ Chí Vỹ nhấn mạnh rằng, Hồng Kông sẽ giữ vững theo đuổi nguyên tắc “tam quyền phân lập”, đây chính là nền tảng cho sự ổn định và thành công của Hồng Kông, nếu như Bắc Kinh bất tín không chịu tuân thủ theo “một quốc gia hai chế độ”, người Hồng Kông quản lý Hồng Kông, cũng như thừa nhận quyền tự trị của Hồng Kông, mà ngược lại quản lý càng ngày càng thắt chặt, thì sẽ khiến Hồng Kông hoàn toàn biến hình đổi dạng.
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa dân chủ Thiên An Môn Thảm sát Thiên An Môn