Hồng Kông: Tỷ lệ học sinh rối loạn tâm thần tăng, cha mẹ gấp rút di dân
- Gia Hoành
- •
Năm 2019, phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp mạnh mẽ và trở thành sang chấn tập thể đối với người dân Hồng Kông, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Sau khi thực thi “Luật An ninh Quốc gia”, giới chức Hồng Kông đã đẩy mạnh giáo dục tẩy não, nhằm trấn áp tư tưởng, điều này giống như con dao treo lơ lửng trên đầu học sinh. Người Hồng Kông lũ lượt hóa thân thành “Mạnh mẫu”, đưa con cái mình di cư đến nơi khác.
Theo số liệu do Chính phủ Hồng Kông công bố ngày 24/3, số thanh niên dưới 18 tuổi, được điều trị các vấn đề về tâm thần trong năm 2019 – 2020 tăng 40% so với 5 năm trước. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm tăng 1,4 lần, số học sinh tự tử cũng tăng gần tương đương, nhiều nhất trong vòng 5 năm qua. Các nhóm quan ngại chỉ ra rằng áp lực tinh thần của học sinh Hồng Kông bắt nguồn từ chính sách giáo dục và các phong trào xã hội. Dự kiến, khi các nhà chức trách thanh trừng, đàn áp và tẩy não ngày càng mạnh, các vấn đề về tâm thần của thanh thiếu niên sẽ xấu đi đáng kể.
Trầm cảm và tự tử tăng gấp đôi ở thanh thiếu niên dưới 18 tuổi
Theo văn bản của ông Dương Nhuận Hùng (Kevin Yeung), Bộ trưởng Giáo dục của Chính phủ Hồng Kông, trả lời các thành viên của Hội đồng Lập pháp ngày 24/3 cho thấy, số lượng bệnh nhân tâm thần dưới 18 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Hồng Kông năm 2019 – 2020 là 40.350 người, con số cao nhất trong 5 năm qua, tăng 40% so với 28.800 người năm 2015 – 2016. Trong số đó, có 1.070 người bị trầm cảm, gấp 1,4 lần so với 450 người cách đây 5 năm.
Về các vấn đề tâm thần khác, 2.760 thanh niên được điều trị rối loạn hành vi và cảm xúc, tăng 70% so với 1.620 người vào năm năm trước. Có 14.210 trường hợp bệnh nhân bị rối loạn phổ tự kỷ (tự kỷ) và 17.420 trường hợp không thể tập trung / tăng động, tăng 50% so với năm năm trước. Năm 2019 – 2020, số bệnh nhân tâm thần được điều trị tăng 2.440 người, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng các ca trầm cảm tăng 70 trường hợp.
Về con số các vụ tự tử, số vụ tự tử ở học sinh dưới 18 tuổi trong năm 2019 – 2020 là 23 em, cao nhất trong vòng 5 năm. Trong 5 năm học vừa qua, tổng cộng 97 học sinh nghi ngờ đã tự tử, bình quân 19,4 em tự tử mỗi năm học.
Đàn áp dự kiến sẽ gia tăng, các vấn đề về tâm thần của học sinh tiếp tục xấu đi
Ông Tằng Lãng Hiên (Hins Tsang), người phát ngôn của tổ chức sinh viên “Hệ tư tưởng Hồng Kông” (Ideologist), nói với Apple Daily rằng áp lực tinh thần của học sinh được tích tụ theo thời gian. Ngoài chính sách giáo dục và áp lực học tập ra, thì bầu không khí xã hội sau Phong trào Ô dù, cho đến việc chính quyền đàn áp giới trẻ sau Phong trào biểu tình chống Dự luật Dẫn độ đã khiến tinh thần của học sinh ngày càng sa sút.
Sau khi thực thi “Luật An ninh Quốc gia”, chính quyền Hồng Kông đã thúc đẩy việc cải cách giáo dục phổ thông và giáo dục an ninh quốc gia, khiến học sinh băn khoăn không biết mình đang được tiếp thụ thứ giáo dục gì. Gần đây cũng có thông tin rằng cảnh sát sắp thanh trừng những sinh viên chưa đủ tuổi đã đăng ký trong thời gian xảy ra xung đột tại trường đại học PolyU Hồng Kông. Ông tin rằng số lượng trẻ em đang đi học mắc các vấn đề về tâm thần sẽ còn tăng lên trong năm tới.
Ông Trương Siêu Hùng (Fernando Cheung), cựu thành viên Hội đồng Lập pháp nói rằng các cuộc xung đột xã hội quy mô lớn và dịch bệnh ở Hồng Kông trong 2 năm qua rất ngột ngạt. Cùng với nhịp sống gấp gáp, sự xa cách giữa các cá nhân và sự sụp đổ của cấu trúc gia đình, v.v., tất cả đều có xu hướng để tạo ra sự cô đơn, trầm cảm và lo lắng.
Các gia đình trung lưu di cư vì con cái, nguyên thủ Anh bày tỏ sự đồng tình
Tin rằng bộ số liệu trên đã khiến nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng, họ lo lắng rằng con cái mình sẽ bị hành hạ về thể xác và tinh thần ở Hồng Kông. Khi ĐCSTQ thắt chặt quyền kiểm soát đối với Hồng Kông một cách toàn diện, thì việc đàn áp và tẩy não giáo dục chỉ có thể ngày càng tồi tệ hơn, khiến họ không còn nhìn thấy bất kỳ tia hy vọng nào.
Cách đây vài ngày, Thủ tướng Anh Johnson đã có cuộc gặp gỡ video với 4 gia đình người Hồng Kông vừa đặt chân đến nước Anh. Theo Apple Daily, ông Krish Kandiah, người sáng lập UKHK, một tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm sắp xếp các cuộc gặp, tiết lộ rằng 4 gia đình này có một điểm chung, đó là con cái của họ đều đang học tiểu học, và lý do quan trọng nhất khiến họ di cư là vì sự phát triển của thế hệ tiếp theo.
Ông Krish Kandiah nói rằng cha mẹ của 4 gia đình này đều thuộc giới trung lưu ở Hồng Kông, gồm bác sĩ, giáo viên và kiến trúc sư. Họ nói với Thủ tướng Johnson rằng: “Hồng Kông hiện đã không còn là Hồng Kông mà họ từng biết”. Khi nói về việc phải rời bỏ gia đình, bạn bè và công việc, họ “tỏ ra rất xúc động”. Ngoài việc lo lắng rằng quyền tự do ngôn luận không còn được bảo vệ, lý do lớn nhất khiến họ phải di cư là vì con cái. Họ mong rằng chúng có thể lớn lên trong môi trường học tập tự do. Thủ tướng Johnson đã bày tỏ sự đồng cảm về điều này.
Lý Gia Hoành, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Di dân trầm cảm người Hồng Kông di cư Tâm thần Giáo dục Hồng Kông